TPHCM:

Bác sĩ dự phòng lương... không đủ ăn

(Dân trí) - Trong lúc những đồng nghiệp thuộc lĩnh vực điều trị “hái ra tiền” thì các bác sĩ hoạt động trong khối dự phòng thu nhập không đủ sống. Người cũ bỏ đi, bác sĩ mới ra trường không muốn về, y tế dự phòng không chỉ thiếu trang thiết bị mà còn hụt nhân sự.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” tưởng như là lẽ hiển nhiên trong ngành y tế. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, đang đi ngược phương châm trên. Lĩnh vực điều trị được đầu tư phát triển nhưng công tác phòng bệnh lại trở thành thứ yếu khiến những người trong ngành cũng phải ngao ngán.

Thu nhập thấp là nguyên nhân không thu hút được nhân viên y tế dự phòng 
Thu nhập thấp là nguyên nhân không thu hút được nhân viên y tế dự phòng 

Sau khi thống kê thu nhập của nhân viên y tế dự phòng, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết: “Do không có điều kiện tham gia khám chữa bệnh nên thu nhập của bác sĩ dự phòng chủ yếu chỉ trông chờ vào đồng lương, phụ cấp. Người cao nhất mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 13 triệu đồng, người thấp nhất chỉ có 3,5 triệu đồng, mức thu nhập bình quân chung của nhân viên y tế dự phòng chỉ được 6,7 triệu đồng một tháng”.

Cùng là bác sĩ nhưng những người hoạt động trong lĩnh vực điều trị hết giờ làm công có thể đi làm tư, các mức trợ cấp, phụ cấp cũng ưu đãi nên nguồn thu nhập của bác sĩ điều trị thuộc hàng “khủng”. Trong khi đó, bác sĩ lĩnh vực dự phòng, ngoài công việc chính gần như không có việc làm thêm, thu nhập không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, vì miếng cơm manh áo họ đã “đào tẩu” sang lĩnh vực điều trị hoặc bỏ đi làm việc khác.

Minh chứng cho vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, cho biết: “Việc thu hút nhân lực cho y tế dự phòng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, các bác sĩ đến xin việc chỉ làm một thời gian ngắn rồi xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Đơn cử như Trung tâm Y tế dự phòng quận 4, năm 2007 có 37 bác sĩ nhưng đến nay chỉ còn 12 bác sĩ; Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Bình Chánh năm 2007 có 31 bác sĩ nhưng nay chỉ còn 16 người”.

Mô hình bệnh tật ngày càng diễn biến khó lường với sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, các bệnh xã hội, bệnh mạn tính không lây do ăn uống, vận động. Riêng các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi hoành hành dữ dội trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã bộc lộ những yếu điểm cho thấy nhân lực của Y tế Dự phòng đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Lĩnh vực y tế dự phòng đang thiếu trầm trọng y bác sĩ có chuyên môn cao
Lĩnh vực y tế dự phòng đang thiếu trầm trọng y bác sĩ có chuyên môn cao

Theo thống kê Báo cáo tổ chức lao động Y tế hàng năm của Sở Y tế, tính đến ngày 31/12/2013 số cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực dự phòng chỉ chiếm 12,2% tổng số nhân lực toàn ngành Y tế. Số cán bộ y tế trình độ chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ của cả hệ thống dự phòng thành phố chỉ có 47 người. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao tại các tuyến dự phòng đang là một thách thức quá lớn đối với ngành y tế thành phố đặc biệt là trong lĩnh vực pháp y, dân số kế hoạc hóa gia đình, HIV/AIDS.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế cho biết, hiện thành phố có 2.115 y bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực dự phòng. Nếu căn cứ theo quy định của Bộ Y tế, định mức biên chế đối với một trạm y tế tối thiểu là 5 người, tối đa là 10 người thì thành phố cần bổ sung ít nhất là 1.065 cán bộ y tế cho lĩnh vực dự phòng.

Để giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực, UBND thành phố đã chỉ đạo các trường mở rộng đào tạo cho hệ dự phòng như bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, trung cấp xét nghiệm, y sĩ y học dự phòng. Năm 2014 là năm đầu tiên 50 bác sĩ y học dự phòng khóa 1 (niên khóa 2008 - 2014) tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM nhưng số nhân sự trên so với sự thiếu hụt hiện tại chẳng khác nào muối bỏ biển. Các lĩnh vực đào tạo ngắn hạn, dài hạn, học từ xa cũng được chú trọng. Tuy nhiên, kinh phí đào tạo chủ yếu phải dựa vào các dự án ODA, viện trợ, tài trợ nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhằm tháo gỡ khó khăn Sở Y tế thành phố đã kiến nghị UBND điều chỉnh tăng hệ số theo mức lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế dự phòng; tạo điều kiện cho các y bác sĩ y tế dự phòng có chứng chỉ hành nghề y dược tư nhân để hành nghề, triển khai phòng khám tư vấn, khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu… cải thiện thu nhập.

Vân Sơn