Bác sĩ cảnh báo: Người béo phì có thể dẫn đến trầm cảm nặng
(Dân trí) - Theo bác sĩ, béo phì sẽ khiến chất lượng cuộc sống bệnh nhân bị giảm rõ rệt, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, mất niềm tin vào bản thân và thậm chí có ý định tự tử.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, gần đây BV đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân N.T.M.T. (35 tuổi, ngụ TPHCM).
Béo phì có thể dẫn đến trầm cảm, tự tử
Chị T. cao 1m56 nhưng nặng gần 70kg. Tình trạng béo phì khiến chị cảm thấy rất tự ti, ảnh hưởng đến công việc và đời sống tình cảm. Hơn 3 tháng nay chị thường lo âu, căng thẳng và ăn uống mất kiểm soát. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên mất ngủ, dễ cáu gắt.
Lo lắng về sức khỏe của bản thân, chị đến khám tại phòng khám Tâm lý của BV ĐHYD cầu cứu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định chị bị căng thẳng kéo dài do những ảnh hưởng của tình trạng béo phì. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng mắc các bệnh nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, cần được theo dõi điều trị đa chuyên khoa.
Ngoài điều trị tâm lý, chị T. được bác sĩ chỉ định điều trị béo phì chuyên sâu, phối hợp của các chuyên khoa Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng và Tâm lý. Hiện tâm lý của người phụ nữ đã ổn định, đang được điều trị béo phì tích cực để giảm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
ThS.BS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, BV ĐHYD cho biết, nhiều người bệnh béo phì rất nôn nóng tìm được cách có thể giúp họ nhanh chóng giảm cân. Tuy nhiên, đa số người bệnh lại ngại trao đổi với bác sĩ về vấn đề cân nặng.
Sự nôn nóng, chưa hiểu rõ phương pháp điều trị cùng với việc có quá nhiều nguồn thông tin chưa chính xác về các loại thực phẩm chức năng, các biện pháp hỗ trợ giảm cân có thể khiến người bệnh béo phì có quyết định sai lầm. Khi những biện pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn, tâm lý của người bệnh lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Mặt khác, các yếu tố tâm lý trong đó có tình trạng căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra béo phì. Tình trạng căng thẳng gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, làm thay đổi hành vi và thói quen trong cuộc sống hàng ngày một cách tiêu cực. Biểu hiện rõ nét nhất đó là việc ăn uống, sinh hoạt và vận động một cách thiếu lành mạnh.
Không những vậy, căng thẳng còn có thể khiến cho các chức năng sinh học của cơ thể bị mất cân bằng, có thể dẫn đến các rối loạn trong quá trình trao đổi chất dẫn đến béo phì. Khi tình trạng căng thẳng đạt tới một mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ rơi vào trầm cảm.
Ở chiều ngược lại, béo phì cũng góp phần làm gia tăng sự nghiêm trọng của căng thẳng hoặc trầm cảm. Nhiều bệnh nhân béo phì còn phải chịu đựng sự kỳ thị của những người xung quanh, càng khiến cho tình trạng căng thẳng hoặc trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống bị giảm rõ rệt, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, mất niềm tin vào bản thân, có ý định tự tử cũng là những trở ngại về mặt tâm lý mà người bệnh béo phì có thể gặp phải.
Điều trị béo phì là một quá trình lâu dài
Theo ThS.BS. Nguyễn Minh Mẫn, các nghiên cứu đã chứng minh rằng người bệnh có thể giảm 5-10% trọng lượng cơ thể ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng khi được điều trị bằng chương trình tập luyện thể chất, thay đổi chế độ ăn và đặc biệt là các chiến lược thay đổi hành vi, lối sống.
Các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh can thiệp thay đổi hành vi thành công, nâng cao khả năng tự điều chỉnh, từ đó hướng đến việc xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh, góp phần tích cực vào hiệu quả của quá trình điều trị béo phì.
Với các liệu pháp tâm lý chuyên sâu, bác sĩ sẽ giúp người bệnh học cách tự quản lý stress, chủ động kiểm soát các tác nhân kích hoạt cảm giác thèm ăn. Qua đó duy trì được chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, dần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Việc trị liệu, hỗ trợ tâm lý cần được tiến hành xuyên suốt, từ can thiệp thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc, trước và sau phẫu thuật điều trị béo phì (đối với người bệnh có chỉ định) cho tới việc quản lý cân nặng, duy trì hiệu quả giảm cân.
Các bác sĩ chia sẻ, điều trị béo phì là một quá trình lâu dài. Bên cạnh việc cần được phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị còn đòi hỏi sự cam kết và quyết tâm của người bệnh. Chính vì vậy, việc hỗ trợ tâm lý rất quan trọng, giúp người bệnh tránh rơi vào các trạng thái tâm lý tiêu cực.