Bác sĩ Anselm Chi-wai Lee: Học từ chính bệnh nhân của mình

(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí, bác sĩ Anselm Chi-wai Lee, Giám đốc TT Điều trị Bệnh máu và Ung thư nhi, Bệnh viện East Shore, Tập đoàn Y tế Parkway, Singapore, luôn khẳng định: “Những kinh nghiệm quí báu nhất tôi học được là từ chính bệnh nhân nhi của mình”.

Với nụ cười hồn hậu và phong thái rất dịu dàng, dường như bác sĩ Anselm Chi-wai Lee sinh ra đã có tố chất trở thành bác sĩ của các em nhỏ nhưng làm bác sĩ ung thư nhi thì lại là một chuyện khác hẳn. Khi tôi hỏi về điều này, ông đã rất trầm ngâm:

 

Đúng là bác sĩ điều trị ung thư nói chung và bác sĩ ung thư nhi nói riêng có cái khó hơn các bác sĩ chuyên ngành khác, vì họ nhìn thấy bệnh nhân chết nhiều hơn so với bác sĩ nhi khác, và biết rõ ràng về điều không thể thay đổi ấy ở một phần các bệnh nhân dù được điều trị tích cực tới cỡ nào. Tôi làm nghề này như một sứ mệnh không thể chối từ và cũng không hề muốn chối từ...

 

Và liệu điểm khác biệt ấy có phải cũng là điều khó khăn nhất đối với một bác sĩ điều trị ung thư nhi như ông không?

 

Khó khăn thì có nhiều, nhưng thời điểm căng thẳng nhất lại không phải là trong quá trình điều trị cho chính các cháu mà là lúc tôi phải nói với cha mẹ các cháu về tình trạng không thể thay đổi của cháu, về những ngày cuối cùng của cháu sẽ ra sao. Để làm cho họ hiểu rằng bác sĩ đã điều trị cho cháu bé bằng tất cả nỗ lực, khả năng có thể, nhưng điều đáng tiếc nhất vẫn sẽ cứ đến. Nhất là với những cha mẹ dằn vặt tự trách mình đã sinh ra con bị bệnh như vậy. Vì thông thường, trẻ em rất vô tư, chính cha mẹ chúng, những người lớn mới hay lo xa, cả nghĩ và làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị. Chính ở điểm này, tôi lại thấy mình học được các cháu rất nhiều.

 

Tôi nhớ có cháu bé chín tuổi, bị ung thư giai đoạn cuối, biết không thể qua khỏi, cha mẹ cháu khóc lóc, tuyệt vọng và rất khó lấy lại tinh thần. Trong khi đó, cháu rất bình tĩnh tính xem mình còn có thể sống được bao nhiêu ngày nữa, tính xem mình có thể vẽ được bao nhiêu bức tranh nữa. Lúc ấy, tôi thấy mình phải tìm cách làm sao để cháu có được những ngày cuối cùng hạnh phúc nhất, thoải mái nhất. Và đó cũng là những giây phút thực sự khó khăn...

 

Còn xét về chuyên môn thì trong các loại ung thư nhi, điều trị ung thư thần kinh là khó nhất vì khả năng đáp ứng của trẻ với thuốc chữa bệnh này là không ổn định.

 

Mặc dù nói như vậy, nhưng tôi vẫn luôn thấy ánh mắt lấp lánh niềm vui và nụ cười hồn hậu của bác sĩ Lee. Dường như mọi việc của ông đều rất suôn sẻ và thuận lợi. Nhưng thực ra đó là cả một quá trình học tập, khổ luyện và tìm tòi, luôn luôn là người đi tiên phong trong điều trị những ca bệnh hiếm hoi. Biết được điều đó là khi tôi tò mò hỏi ông vì sao đang rất thành công trong điều trị bệnh nhi và là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Ung thư và Huyết học nhi khoa Hồng Kông từ năm 2003, ông lại chuyển qua Singapore làm việc.

 

Thực ra, tôi đã bắt đầu làm nghiên cứu chuyên về máu và ung thư nhi khoa từ năm 1990 rồi thực hiện các ca ghép tuỷ xương cho bệnh nhân nhi. Năm 1995, tôi chuyển đến bệnh viện Tuen Mun, ở đó tôi quyết định cải tổ dịch vụ huyết học và ung thư dành cho bệnh nhân nhi. Sau đó, tôi lại muốn đến với những bệnh nhân mang nhiều quốc tịch khác nhau tới Singapore chữa bệnh thông qua Tập đoàn Y tế Parkway.  

 

Bác sĩ Anselm Chi-wai Lee: Học từ chính bệnh nhân của mình - 1
 
 

BS Lee cùng ông Ben Taat Aliat, Trưởng Đại diện VP

 Parkway tại VN, người đã kết nối nhiều trường

 hợp bệnh nhân ung thư nhi để bác sĩ Lee chữa trị. 

Nghĩa là không chỉ điều trị ung thư nhi, ông cũng tham gia ghép tủy xương cho các cháu. Vậy cụ thể là những bệnh nào có thể được điều trị nhờ phương pháp này, thưa bác sĩ?

 

Vâng, nếu nói về ung thư nhi (tức là các bệnh nhân dưới 18 tuổi), tôi điều trị các bệnh: máu trắng, ung thư não, hạch bạch huyết, ung thư tuyến thượng thận, ung thư thuộc thận, ung thư cơ xương, u nguyên bào (ung thư tinh hoàn, buồng trứng và những bộ phận có liên quan), ung thư xương, ung thư gan, ung thư nguyên bào võng mạc (ung thư thuộc mắt) và những loại ung thư khác.

 

Còn ghép tủy xương thì có thể điều trị cho các bệnh: Máu trắng, thiếu máu Thalassaemia, suy giảm hệ miễn dịch, những bệnh về trao đổi chất, hội chứng tuỷ xương bẩm sinh, thiếu máu không tái tạo, thiếu máu Faconi và rối loạn hệ tự miễn dịch.

 

Tôi thuộc như lòng bàn tay những ca bệnh này vì trong đó rất nhiều bệnh nhân nhi của tôi đã qua khỏi và trở thành đồng nghiệp của tôi.

 

Đã nhiều lần sang Việt Nam để tư vấn cho các gia đình về ung thư nhi, ông có thấy sự khác biệt giữa người bệnh Việt Nam và các nước trong quan điểm về việc chữa bệnh không? Và ông có lời khuyên gì không?

 

Tôi đã có thời gian ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Tôi rất cảm tình với sự ham học hỏi, ham hiểu biết của người Việt Nam, đặc biệt trong chuyện khám chữa bệnh. Và mặc dù văn hoá khác nhau thì việc thể hiện sự chăm sóc con cái cũng sẽ khác nhau, nhưng tình yêu thương vô bờ của các cha mẹ với con thì ở đâu cũng không có gì khác biệt.

 

Tôi chỉ thấy ở Việt Nam, các bậc cha mẹ thường giữ ý kiến chủ quan của họ khá lớn và luôn đòi hỏi bác sĩ phải chữa khỏi bệnh cho con mình trong thời gian sớm nhất. Tôi nghĩ rằng, cha mẹ hãy tin tưởng ở bác sĩ vì chúng tôi luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Tôi rất mong các bậc cha mẹ Việt Nam khi đưa con sang Trung tâm Ung thư nhi của chúng tôi điều trị hãy bình tĩnh và hợp tác với Trung tâm, với các bác sĩ và y tá để có được tiến trình điều trị tốt cho con mình. Điều quan trọng là đừng bao giờ tuyệt vọng và nhất là đừng để sự buồn chán, đau khổ ấy thể hiện trước mặt con trẻ. Đó là liều thuốc tâm lý tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con mình. Và chúng ta nên biết rằng khác với ung thư người lớn, 70% ung thư nhi sẽ khỏi bệnh khi được điều trị tích cực...

 

Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian trò chuyện.

 

Trong năm 2007, Bác sĩ Anselm Lee đã khám 4 bệnh nhân ung thư nhi là người Việt Nam.

 

1. Đầu tiên là một bé trai 17 tháng tuổi ở Hà Nội bị mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh mà bác sỹ Việt Nam không biết đây là căn bệnh gì. Các bác sĩ đã chuẩn đoán cho cháu tại Singapore và xem lại phác đồ điều chị cho cháu. Hiện nay, cháu bé không cần phải truyền thêm máu. Căn bệnh này rất hiếm khi gặp và các bác sĩ cho rằng đây là cháu bé đầu tiên bị mắc căn bệnh này ở Phương Đông. Vì lẽ đó, trường hợp của cháu đã được báo cáo trên một tạp chí khoa học quốc tế qua mạng có tên là bloodmed.com.

 

2. Trường hợp thứ hai là một bé gái 10 tuổi cũng đến từ Hà Nội. Cháu bị suy tủy xương. Bác sĩ khẳng định chẩn đoán là bệnh nhân bị thiếu máu không tái tạo. Thông tin này rất hữu ích vì bệnh nhân có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc mà không cần phải thực hiện ghép tủy.

 

3. Trường hợp thứ ba là một bé gái 10 tuổi, người Hà Nội, bị thiếu máu bẩm sinh. Cho tới nay, bệnh nhân đã thực hiện điều trị được 3 tuần và có đáp ứng tốt với việc điều trị. Từ bây giờ, bệnh nhân có thể sẽ không phải thực hiện truyền máu nữa.

 

4. Và cuối cũng là trường hợp một bệnh nhân 14 tuổi ở Sài Gòn. Cháu bị ung thư bạch cầu dạng tủy cấp tính. Bệnh nhân đã tới phòng khám của bác sĩ Lee và kết quả kiểm tra gen của bệnh nhân cho thấy thể ung thư bạch cầu của bệnh nhân rất khác so với bệnh ung thư bạch cầu thông thường. Bệnh nhân đã có đáp ứng rất tốt với vòng điều trị đầu tiên.  

 

K.Nga