Bác sĩ Anh chia sẻ kỹ thuật thở dành cho bệnh nhân nhiễm virus corona
(Dân trí) - Một bác sĩ Anh đã chia sẻ về kỹ thuật thở dành cho bệnh nhân nhiễm corona, và J. Rowling, tác giả bộ truyện Harry Potter, tuyên bố kỹ thuật này đã giúp bà bình phục.
BS Sarfaraz Munshi, làm việc tại Bệnh viện Queen's ở Romford, cho biết phương pháp này được sử dụng cho những bệnh nhân đang phải chăm sóc tích cực nhưng có thể giúp ích cho bất cứ ai chống lại nhiễm trùng.
Kỹ thuật thở là “cách duy nhất” để đưa oxy vào sâu trong phổi, rất quan trọng để tránh suy phổi, bác sĩ Munshi nói.
Ông cũng cảnh báo bệnh nhân không nên nằm ngửa vì nó làm giảm dung tích phổi và làm tắc đường thở.
Các biến chứng nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 phần lớn là do virus ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bao gồm chức năng của phổi.
Ca ngợi kỹ thuật thở này, tác giả bộ truyện Harry Potter nói rằng nó đã giúp bà bình phục sau khi nghi nhiễm virus corona.
J. Rowling cho biết bà đã “bình phục hoàn toàn” sau khi chịu đựng “tất cả các triệu chứng” của virus corona - nhưng chưa được xét nghiệm chính thức.
Kỹ thuật thở bao gồm hít thở sâu 5 lần liền, và kết thúc lần thở sâu thứ 6 bằng một tiếng ho - tất nhiên là được che bằng tay hoặc khăn giấy. Điều này sẽ giúp đẩy chất nhầy trong đường hô hấp ra miệng.
BS Munshi nói: “Trong khi nhiễm trùng hoạt động, bạn cần phải lấy một lượng không khí tốt vào tận đáy phổi.
Kỹ thuật là cách duy nhất để bạn làm được điều đó”.
“Tôi muốn các bạn bắt đầu làm điều này ngay nếu bị nhiễm, còn nếu bạn muốn làm trước khi bị nhiễm, thì đó là một ý kiến hay”.
Các triệu chứng đầu tiên của virus corona thường là ho dai dẳng kèm theo sốt, nhưng một số ít người sẽ phát triển các vấn đề về hô hấp.
Virus nhân lên trong đường hô hấp, có thể ảnh hưởng đến đường thở. Nó làm cho bệnh nhân khó thở hơn bình thường, có thể rất đau đớn.
Đa số bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện vào khoa hồi sức tích cực với ARDS - hội chứng suy hô hấp cấp.
Lúc này họ sẽ cần sự hỗ trợ của máy thở để đẩy không khí vào phổi.
Điều sống còn là phổi có thể nhận đủ không khí để oxy được vận chuyển khắp cơ thể, qua đường máu, đến các cơ quan quan trọng.
Bác sĩ Munshi khuyên hãy thực hiện kỹ thuật thở hai lần trước khi nằm sấp và thở sâu trong mười phút.
Ông nói: “Phần lớn phổi nằm ở lưng, chứ không phải ở đằng trước. Nếu nằm ngửa, bạn sẽ khiến nhiều đường thở nhỏ hơn bị đóng kín và điều này không tốt trong thời gian bị nhiễm trùng.
“Nó có thể dẫn đến xẹp phổi, từ đó dẫn đến viêm phổi thứ phát. Hiểu điều này là rất quan trọng”.
Xẹp phổi là tình trạng sụp đổ hoàn toàn toàn bộ hoặc một phần phổi. Nó xảy ra khi các phế nang bị xẹp hoặc chứa đầy chất lỏng.
BS Munshi giải thích: “Việc nằm ngửa trên giường trong thời gian dài sẽ đóng kín các đường thở nhỏ.
“Nó sẽ làm tăng nguy cơ viêm phổi thứ phát, có thể khiến tình trạng xấu đi nhiều hơn - lưu ý rằng các bệnh nhân nặng lên là do các vấn đề về hô hấp”.
Các bác sĩ thường đặt các bệnh nhân nặng nằm sấp để cải thiện kết quả.
Điều này là vì một số lý do, bao gồm cả mặt sau của phổi có diện tích bề mặt lớn hơn phía trước.
Nó có thể giúp phế nang mở ra nhiều hơn. Các phế nang rất quan trọng để lấy oxy cung cấp cho phần còn lại của cơ thể, nhưng có thể sụp đổ trong ARDS.
Nằm sấp cũng giúp thoát dịch, ngăn phổi bị nhiễm trùng và tăng lưu lượng máu.
Rowling sau đó đã viết trên Twiter: “Cảm ơn các bạn vì những tin nhắn! Tôi thực sự đã hồi phục hoàn toàn và muốn chia sẻ một kỹ thuật được các bác sĩ khuyên dùng, không tốn kém, không có tác dụng phụ khó chịu nhưng có thể giúp bạn/người thân của bạn rất nhiều, như tôi đã làm. Giữ an toàn nhé, yêu mọi người”.
Cẩm Tú
Theo DM