Áp dụng thành công phương pháp tiên tiến điều trị hở van tim hai lá

Kỹ thuật sửa hở van tim hai lá qua đường ống thông với MitraClip, do Abbott phát triển, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam bởi Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai. Trước khi đến Việt Nam, MitraClip đã được áp dụng ở 30 nước và vùng lãnh thổ.

Sửa hở van tim nặng không cần phẫu thuật

Hở van hai lá là bệnh lý liên quan đến tim mạch phổ biến ở Việt Nam khi tuổi thọ bình quân ngày càng tăng. Cũng theo một ước tính gần đây, trên thế giới, cứ 10 người trên 75 tuổi có một người bị hở van tim hai lá. Đây là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, vì tình trạng van không đóng kín khiến máu trào ngược trở lại buồng tim, làm tim phải co bóp nhiều hơn, và là căn nguyên dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa tim, suy tim.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Mạnh Hùng, Trưởng đơn vị Tim mạch Can thiệp - Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, “Trước đây, biện pháp truyền thống điều trị bệnh lý này là mổ mở, mở lồng ngực để sửa van hai lá bị hở trong tim. Nhưng biện pháp nặng nề này gây khó khăn cho những bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh mãn tính kèm theo.”

Với phương pháp can thiệp nội mạch sử dụng thiết bị MitraClip, các bác sỹ sẽ đưa thiết bị lên buồng tim thông qua tĩnh mạch ở đùi bệnh nhân. Tim vẫn hoạt động bình thường trong suốt quá trình này mà không cần sự hỗ trợ từ các máy trợ tim - phổi. Tại buồng tim, thiết bị sẽ sửa chữa van bằng cách kẹp phần bị hở mà không cần phải mổ mở như thông thường. Cũng theo bác sỹ Hùng, tất cả bệnh nhân hở van hai lá nặng đều có thể áp dụng phương pháp này.

Ưu điểm nổi trội khác của phương pháp này, là thời gian điều trị sau can thiệp ngắn hơn hẳn, chỉ 3 ngày, trong khi mổ mở cần 10-15 ngày để bệnh nhân bình phục.

Áp dụng thành công phương pháp tiên tiến điều trị hở van tim hai lá
Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thiết bị MitraClip để điều trị cho các bệnh nhân hở van tim hai lá nặng

Thêm lựa chọn điều trị cho bệnh nhân hở van tim hai lá

Theo các bác sỹ Viện Tim mạch Việt Nam, trước đây, tùy thuộc mức độ bệnh, các bác sỹ sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau. Trong đó, phương pháp điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc) tuy không triệt căn chứng hở van tim hai lá nhưng cũng giúp kiểm soát và ngăn chặn biến chứng của bệnh; như việc sử dụng thuốc lợi tiểu giúp chân giảm sưng nhờ giảm nước tích tụ trong phổi hoặc chân, là triệu chứng đi kèm với bệnh hở van hai lá. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hở van hai lá kèm huyết áp cao thì tình trạng sẽ tồi tệ hơn nhiều, các bác sỹ sẽ kê thêm thuốc huyết áp hoặc khuyến cáo bệnh nhân giảm muối để kiểm soát huyết áp.

Trong trường hợp bệnh đã có biến chứng hoặc nguy cơ biến chứng, có chỉ định can thiệp phẫu thuật hoặc các biện pháp tương tự khác, các bác sỹ có thể lựa chọn phương pháp tùy tình trạng và thể lực của bệnh nhân. Biện pháp sử dụng ống thông với MitraClip, do Abbott nghiên cứu và phát triển, là một lựa chọn kỹ thuật cao mới, phù hợp với nhóm bệnh nhân ở giai đoạn nặng, sức khỏe yếu, người cao tuổi có bệnh mãn tính kèm theo, cần thời gian hồi phục nhanh.

Tính an toàn, khả năng giảm thiểu hiện tượng máu bị trào ngược, giảm thiểu các biến chứng và thời gian nằm viện do suy tim khi điều trị với MitraClip đã được công nhận qua nhiều ca điều trị thực tế trên thế giới.

Hình ảnh thiết bị MitraClip điều trị hở van tim hai lá do
Abbott phát triển.
Hình ảnh thiết bị MitraClip điều trị hở van tim hai lá do Abbott phát triển.

Ông Amit Mohan, Giám đốc Abbott Vascular Việt Nam - đơn vị phát triển MitraClip, chia sẻ: “Việc giới thiệu MitraClip và áp dụng điều trị tại Việt Nam đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc điều trị bệnh hở van tim hai lá, mang đến cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân khi họ không phải chịu đựng những triệu chứng nặng nề của căn bệnh này.”

MitraClip là một thiết bị trong danh mục sản phẩm thiết bị điều trị các bệnh tim mạch của Abbott Vascular. Tại Việt Nam, trong năm 2012, Abbott Vascular cũng đã giới thiệu sản phẩm stent tự tiêu sinh học Absorb, dụng cụ đầu tiên điều trị bệnh động mạch vành có khả năng tự tiêu trong cơ thể.

Lan Anh