Ảo giác, loạn thần vì “đập đá”

Thấy ác quỷ, quái vật, mất ngủ, hoang tưởng, hung hăng… là những triệu chứng đang gia tăng trong những người trẻ chơi hàng “đập đá” (ma túy tổng hợp). Đáng lo ngại, căn bệnh mới này hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể.

Ngày càng có nhiều bệnh nhân ảo giác nhập viện do dùng hàng “đập đá”.

Ngày càng có nhiều bệnh nhân ảo giác nhập viện do dùng hàng “đập đá”.

Thấy mặt quỷ, nghe tiếng thì thầm

Gần một tuần nhập khoa Nam (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), Võ Văn H. (29 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vẫn phải nằm khu cách ly do mất khả năng kiểm soát cơ thể.

Ngày nhập viện, ba chiến sĩ công an phường cùng người nhà mới khống chế nổi sự phản kháng của H. Thường xuyên tụ tập cùng chúng bạn chơi “hàng đá” nhiều tháng trở lại đây, H. bất ngờ xuất hiện những ảo giác kỳ lạ.
 

Khi thấy ác quỷ lởn vởn, lúc nghe tiếng thì thầm rên rỉ trong đầu. Giữa cơn u u mê mê, H. tưởng tượng ra cảnh em gái út của mình bị nôn mửa, nhập viện Đà Nẵng, nhưng gia đình không cho mình biết.

 
Thương em, H. chạy khắp các bệnh viện để tìm kiếm. Đến khi người nhà khống chế được H. mới phát hiện những gì chàng trai này nghĩ chỉ là ảo tưởng, không thực.

 
Cạnh khoa Pháp y và nghiện chất, bệnh nhân Lê Thiện S. (phường Nam Dương, quận Hải Châu) thỉnh thoảng đi lại, nói chuyện làm ràm một mình. Những lúc tỉnh, S. chỉ giải thích mình nghe thấy tiếng nói “thì thầm” bên tai và phải đáp lại nếu không sẽ bị quở trách! Hơn chục năm chơi ma túy, S. từng nhập trại Trung tâm 05-06 để cai nghiện.

 
Năm 2008, S. rời trung tâm nhưng lại tái phát. Hơn năm nay, theo chúng bạn rủ rê, S. thử chơi hàng “đập đá” và bắt đầu xuất hiện những cơn ảo giác kỳ quái.

 
BS.Trần Văn Mau, Phó giám đốc BV Tâm thần, kể: Đầu tháng 10, S. nhập viện trong tình trạng mất ngủ, nói nhảm một mình và đánh cả người thân. Vài ngày sau, S. chưa đủ tỉnh để biết vì sao mình phải nhập viện. Lúc phóng viên hỏi, S giải thích lí nhí “Do tôi là người không tốt nên phải vào đây”.

 
Từng là một thanh niên khỏe mạnh, nhưng từ ngày chơi “đập đá”, Cao Trung T. (25 tuổi, quận Sơn Trà) như mất hết năng lực hành vi. Sau lần tụ tập cùng chúng bạn “đập đá” trong khách sạn, T. lên cơn ảo giác, đập phá, hung hãn trong cơn hoang tưởng.

 
Phải 4 ngày sau khi nhập viện BV Tâm thần, chứng ảo giác trong T. mới dãn dần. Các bác sĩ tăng cường xử lý an thần kinh mới có thể đưa T. về gần với thế giới thực.

Dù đã tiếp xúc với đủ loại bệnh nhân tâm thần ở những mức độ khác nhau, nhưng BS Lê Văn Nguyên, Phó trưởng khoa Pháp y và nghiện chất (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), không khỏi kinh hãi khi gặp bệnh nhân hoang tưởng sau dùng “hàng đá”.

 
“Nửa đêm, bệnh nhân P. đập cửa thình thình, kêu la, liên tục gọi những người xung quanh là “mặt quỷ”. Chứng “ảo thị’ khiến P. nhìn mọi người đều kỳ quái, nguy hiểm do đó hung hãn đánh trả”, BS. Nguyên kể.

 
Trước đó, bệnh nhân tên Th. (28 tuổi, trú Thanh Khê) nhập viện trong tình trạng “ảo giác nguy hiểm”.

 
Mỗi lần nghe tiếng thì thầm bên tai, Th. chạy khắp hành lang bệnh viện, đá đánh người, đập cửa, lấy mảnh kính làm hung khí. Mãi khi lực lượng công an phường Hòa Khánh Nam can thiệp mới có thể khống chế được.

 
Nguy hiểm

Phải nằm phòng cách ly do chứng ảo giác, mất năng lực kiểm soát bản thân.
Phải nằm phòng cách ly do chứng ảo giác, mất năng lực kiểm soát bản thân. Ảnh: Nguyễn Huy.

 
Theo BS Mau: Tình trạng bệnh nhân ảo giác, hoang tưởng do dùng hàng “đập đá” đang có dấu hiệu gia tăng nhanh trong vòng 2 năm trở lại đây, chủ yếu là những người trẻ. Nhiều bệnh nhân nữ cũng bị ảo giác do “đập đá”.
 

Thống kê tại riêng khoa Pháp y và nghiện chất, trung bình mỗi tuần có trên dưới chục bệnh nhân loại này nhập viện điều trị.

 
Bệnh nhân thường mắc phải những triệu chứng ảo thị, ảo thanh, thấy mặt ác quỷ, quái vật hay nghe những tiếng thì thầm dẫn đến sợ hãi, phải phòng vệ và có thái độ hung hãn khác thường.

 
Thậm chí nhiều bệnh nhân có hành vi nguy hiểm như ảo tưởng mình có thể bay được nên phóng mình từ trên cao xuống, hoặc lạng lách, đánh võng khi đi xe.

BS. Nguyên cũng cho hay: chứng ảo giác thường kéo dài rất nhiều ngày mới có thể dứt cơn, bình thường phải mất 3-4 ngày, có khi lên đến cả tuần, kéo theo mất năng lực, hành vi kiểm soát cơ thể. Bệnh nhân hầu như không nhớ những gì mình đã làm.

 
Đáng lo ngại, theo BS Mau đây là loại bệnh lần đầu mới xuất hiện do sử dụng các loại ma túy tổng hợp (hàng đá, thuốc lắc). So với thuốc phiện, những hành vi gây ra sau khi dùng hàng “đập đá” nguy hiểm và dai dẳng hơn.

 
Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có phương thuốc điều trị rõ ràng, cụ thể. Thậm chí chơi hàng đá, bệnh nhân còn dễ tái phát hơn. Dù điều trị khỏi ảo giác nhưng bệnh nhân vẫn có thể bị lại nếu tiếp tục dùng “hàng đá”.

 
Nhiều người quan niệm sai lầm, dùng hàng đá không gây nghiện như thuốc phiện, nhưng thực tế tỉ lệ nghiện do dùng ma túy tổng hợp chiếm 11%, gần bằng một nửa so với tỉ lệ người nghiện thuốc phiện (từ 20-25%).
 

Theo BS Nguyên, ghi nhận từ các bệnh nhân, chỉ cần 1-2 lần chơi “đập đá” sẽ dẫn đến chứng ảo giác, từ cấp độ nhỏ đến loại ảo giác mãn tính. Lo nhất hiện nay là khả năng tái phát do bệnh nhân “đập đá” trở lại, và loại ma túy tổng hợp này cũng khá phổ biến hiện nay.

 
Theo Nguyễn Huy
Tiền phong