1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ánh nắng mặt trời có thực sự tiêu diệt Covid-19 không?

(Dân trí) - Thừa nhận mình không phải là bác sĩ, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những ý tưởng về cách điều trị hoặc ngăn ngừa Covid-19. Ông cho rằng tia cực tím có thể tiêu diệt virus.

Ánh nắng mặt trời có thực sự tiêu diệt Covid-19 không? - 1

Dưới đây là những gì mà các chuyên gia biết về tác dụng của tia UV và vitamin D đối với việc bảo vệ chống virus corona.

Tổng thống Trump đã dẫn chứng “kết quả mới nổi” từ nghiên cứu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho thấy việc tiếp xúc với ánh nắng, nhiệt độ và độ ẩm có vẻ làm suy yếu virus corona.

Bill Bryan, thứ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ phụ trách về khoa học và công nghệ, đã phát biểu trong cuộc họp báo: “Quan sát nổi bật nhất của chúng tôi cho đến nay là hiệu quả mạnh mẽ của ánh nắng mặt trời trong việc tiêu diệt virus cả trên bề mặt và trong không khí. Chúng tôi cũng thấy hiệu quả tương tự với cả nhiệt độ và độ ẩm, trong đó tăng nhiệt độ và độ ẩm hoặc cả hai nói chung là sẽ ít thuận lợi cho virus”.

Ông Bryan nói thêm rằng virus chết nhanh nhất khi kết hợp ba yếu tố môi trường: nhiệt độ cao, độ ẩm cao và ánh nắng mặt trời trực tiếp. Điều này đã làm dấy lên hy vọng rằng virus corona có thể trở nên ít lây lan hơn trong những tháng mùa hè và khiến Tổng thống Trump suy đoán việc chiếu vào cơ thể “tia cực tím cực mạnh” hoặc “chỉ là “ánh sáng rất mạnh” có thể loại bỏ nhiễm trùng. Ông thậm chí còn đề nghị bằng cách nào đó đưa “ánh sáng vào bên trong cơ thể [...] thông qua da hoặc đường nào đó”.

Ngay lúc này, chưa có gì nhiều để nói tiếp. Nghiên cứu chưa được công bố, vì vậy chưa rõ sẽ cần lượng tia cực tím là bao nhiêu để tác động đến virus corona. Nhưng theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nó cũng có những vấn đề nhất định.

Đúng là tia cực tím có thể làm giảm khả năng sống sót của virus (bao gồm cả virus corona mới) trên các bề mặt, nhưng "điều đó không có nghĩa là những người bị Covid-19 tiếp xúc với tia cực tím hoặc ánh nắng mặt trời, có chứa tia UV – sẽ chữa khỏi bệnh", BS Amesh A. Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Maryland, nói.

Còn có một thực tế là tia cực tím đi kèm với một số nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Tia UV có thể đâm xuyên và gây tổn thương các tế bào da, và việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể dẫn đến ung thư da.

Những bình luận của Tổng thống Trump đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải bổ sung thêm trang “xóa bỏ những hiểu lầm” về virus corona trên website của mình: “Phơi nắng hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao trên 25 độ C KHÔNG ngăn ngừa được bệnh do virus corona. Bạn có thể bị nhiễm Covid-19, bất kể thời tiết nắng hay nóng như thế nào. Các quốc gia có thời tiết nóng đã báo cáo các trường hợp Covid-19”.

Ánh nắng mặt trời còn được đề cập đến trong các bản tin về virus corona gần đây vì một lý do khác. Nó là nguồn vitamin D tự nhiên tuyệt vời, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm tăng khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Nhưng khi nói đến Covid-19, nghiên cứu còn rất hạn chế. Các thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu ở Tây Ban Nha và Pháp để xem liệu vitamin D có cải thiện kết quả cho bệnh nhân Covid-19 hay không, nhưng cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy vitamin D làm giảm nguy cơ nhiễm virus corona. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nó có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng hơn.

Mục tiêu là đạt được lượng vitamin D trong máu thỏa đáng để hỗ trợ tốt nhất cho chức năng miễn dịch. Cách tốt nhất là xét nghiệm máu để tìm hiểu xem mức vitamin D trong máu của bạn có nằm trong phạm vi phù hợp hay không. Điều này sẽ quyết định có cần bổ sung để đạt được tình trạng vitamin D trong máu đầy đủ hay không và nếu cần thì liều lượng bao nhiêu là thích hợp.

Cẩn thận với liều bổ sung vitamin D là rất quan trọng, vì nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn. Liều cao vitamin D có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm tăng canxi trong máu, tác động tiêu cực đến tim, mạch máu và thận. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm nhịp tim không đều và rối loạn tiêu hóa.

Nếu bạn không thể kiểm tra tình trạng vitamin D trong máu, thì các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện một trong ba điều sau để tăng lượng chất này trong máu mà bị nguy cơ quá nhiều vitamin D: kết hợp vào chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D, như lòng đỏ trứng, cá hồi tự nhiên, cá ngừ, thực phẩm bổ sung và nấm đã chiếu tia UV; sử dụng chế phẩm bổ sung hàng ngày cung cấp 800-2000 IU vitamin D; hoặc kết hợp cả hai.

Mức trần khẩu phần dung nạp được (UL) đối với vitamin D (khẩu phần hằng ngày tốt đa từ cả thực phẩm và chế phẩm bổ sung không có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe) là 4000 IU, vì vậy đừng vượt quá mức này mà không có sự giám sát y tế.

Nếu dùng đúng liều vitamin D, sức khỏe của bạn có thể được hưởng lợi theo nhiều cách. Nhưng không có chế phẩm bổ sung nào có thể ngăn bạn nhiễm virus corona.

Cẩm Tú

Theo Health