TPHCM:
An toàn thực phẩm đường phố như “nước đổ đầu vịt”
(Dân trí) - Sau 10 tháng thành phố thực hiện mô hình điểm về thức ăn đường phố số cơ sở tham gia chỉ “như lá cuối thu”. Mùa nắng nóng đã tới, những nguy cơ tiềm ẩn của thức ăn đường phố rình rập sức khỏe của cộng đồng.
Thức ăn đường phố đang được nhiều người đặc biệt là giới bình dân lựa chọn vì những ưu điểm đa dạng về chủng loại, giá rẻ, mua bán nhanh chóng. Những bữa ăn sáng được cầm tay, những bữa trưa hoặc bữa tối “chớp nhoáng” trở nên phù hợp với cuộc sống vốn bận rộn của xã hội công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, thức ăn đường phố đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Người buôn bán thức ăn ở lề đường, vỉa hè đa phần có thu nhập thấp, chưa qua tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Để tăng lợi nhuận, không ít người lựa chọn nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc nguyên liệu kém chất lượng… Bên cạnh đó, thức ăn bày bán ở lề đường chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết cũng như những yếu tố ô nhiễm khác từ môi trường làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu…
Nhận thức được những tác động từ nguồn thực phẩm kém chất lượng đối với người tiêu dùng, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm triển khai mô hình điểm về thức ăn đường phố nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức và tập huấn an toàn thực phẩm cho những cơ sở buôn bán thức ăn đường phố.
Ngày 22/5/2014, tại buổi sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố sau 10 tháng thực hiện bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm cho biết: “Thành phố hiện có 16.463 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 24.862 người tham gia kinh doanh.” Sau nhiều nỗ lực vận động của các ban ngành liên quan đến nay mới chỉ “có 190 cơ sở và 229 người tham gia mô hình điểm về thức ăn đường phố”.
Thực tế trên cho thấy, sau hàng loạt những cuộc họp, công văn hướng dẫn, tập huấn,… nhưng vấn đề chất lượng vệ sinh thức ăn đường phố vẫn như “nước đổ đầu vịt”. Chi cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm nhận định, tình trạng trên xảy ra là do chưa có quy hoạch về kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý của các địa phương. Việc quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố chưa có kinh phí riêng trong chương trình Mục tiêu Quốc gia nên gây khó khăn cho việc triển khai kiểm tra, giám sát.
Vân Sơn