1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn tiết canh, người đàn ông suy đa tạng nguy cơ tử vong

Minh Nhật

(Dân trí) - Căn bệnh có thể khiến bệnh nhân tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết...

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân M.V.C (58 tuổi, ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng) nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, đại tiện phân lỏng, ban đỏ tím hai tay, hai chân, mụn nước rải rác toàn thân.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, xơ gan, lạm dụng rượu. Qua khai thác bệnh sử, ngày 29/10, bệnh nhân đã ăn tiết canh lợn. Sau ăn, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu trên và được đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân vào viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiêu hóa, viêm màng não, suy thận cấp/suy tim, xơ gan.

Ăn tiết canh, người đàn ông suy đa tạng nguy cơ tử vong - 1

Tiết canh là món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh: Getty).

Bệnh nhân được xử trí thở máy và dùng thuốc vận mạch, lọc máu hàng ngày. Hiện tại bệnh nhân hôn mê, tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng chưa được cải thiện, nguy cơ tử vong cao.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch do nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.

Bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học Streptoccocus suis) là tác nhân gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn. Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.

Chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. 

Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.

Ăn tiết canh, người đàn ông suy đa tạng nguy cơ tử vong - 2

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý các biện pháp phòng tránh bệnh liên cầu lợn:

- Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ. 

- Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.

- Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.