Bệnh nhân mắc liên cầu lợn vì bị... đứt tay khi giết mổ, ăn tiết canh

(Dân trí) - Cả 3 bệnh nhân mắc liên cầu lợn đều có tiếp xúc với thực phẩm chưa nấu chín hoặc giết mổ, chế biến thịt lợn. Trong đó, có một người khi sơ chế thịt bị trượt dao gây đứt tay, một người ăn tiết canh và một người làm nghề giết mổ lợn.

BSCKI. Trịnh Thu Hoàn, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí) cho biết, trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận từ 8-10 ca liên cầu lợn. Đặc biệt thời gian khoa, khoa tiếp nhận liên tiếp 3 ca nhiễm liên cầu lợn nguy hiểm.

Bệnh nhân nữ sinh năm 1977, trú tại Thị xã Quảng Yên vào viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, sốt cao, đau đầu nhiều, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ…

 Bệnh nhân mắc liên cầu lợn vì bị... đứt tay khi giết mổ, ăn tiết canh - 1

Điều trị liên cầu lợn cho bệnh nhân tại bệnh viện.

Bệnh nhân nam N.Đ.P sinh năm 1937, trú tại Phường Quang Trung, TP. Uông Bí được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu nhiều, mệt mỏi. Chỉ sau 2 ngày nhập viện bệnh nhân xuất hiện tình trạng lơ mơ, yếu 1/2 người phải.

Còn với nữ bệnh nhân N.T.T. (sinh năm 1960, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng), bà lại có các dấu hiệu sốt cao liên tục, đau đầu, chóng mặt nhiều, đau chân phải hạn chế vận động.

BS Hoàn cho biết, cả 3 bệnh nhân này đều có tiền sử tiếp xúc với thực phẩm chưa nấu chín. Trong đó, một bệnh nhân làm nghề mổ lợn nhưng không mang trang phục bảo vệ. Một bệnh nhân trong lúc sơ chế thịt lợn tại nhà, không may trượt tay khiến con dao dùng để chặt thịt sượt qua tay, đã tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương hở.

Bệnh nhân nam N.Đ.P. trước thời điểm nhập viện 1 tuần có gặp bạn bè và ăn tiết canh lợn.

Các bác sĩ cảnh báo, tiết canh là món khoái khẩu nhưng lại tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, sán, đặc biệt là liên cầu lợn. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng. Chi phí tốn kém lên tới vài trăm triệu đồng”.

Cả 3 trường hợp đều được bác sĩ chọc dịch não tủy, điều trị kháng sinh liều cao, chống phù não, giảm đau, bù nước điện giải. Tuy nhiên, trong số 3 ca bệnh chỉ một trường hợp khỏi hoàn toàn không để lại di chứng, Hai trường hợp còn lại, người có di chứng liệt nửa người, người có di chứng giảm thính lực sau điều trị liên cầu lợn.

Vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn là những bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Bệnh thường có biểu hiện viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp với diễn biến nhanh, nặng nề và để lại nhiều di chứng. 

Ngoài gây bệnh lý nguy kịch tính mạng, căn bệnh này cũng để lại nhiều di chứng. Đến 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí bị điếc vĩnh viễn.

Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau vì không để lại miễn dịch lâu dài.Tuy nhiên đây là bệnh mà người dân có thể chủ động phòng tránh được bằng cách: Ăn chín uống sôi (tuyệt đối không ăn tiết canh); Không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị ốm, chết; Khi phải tiếp xúc, giết mổ gia súc, gia cầm cần có các phương tiện bảo hộ đầy đủ; Xử lý chất thải hợp lý... Khi các đối tượng tiếp xúc với nguy cơ gây bệnh có dấu hiệu bất thường như sốt, đau đầu, nôn… cần đến viện khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn trong điều trị.

Hồng Hải