Ăn thịt lợn mắc bệnh tả?

(Dân trí) - Về lý thuyết bệnh tả ở lợn không lây sang người.Tuy nhiên, lợn có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, việc chế biến lợn bệnh, rồi đem phát tán rộng rãi dễ tạo thành dịch.

Mạo hiểm tính mạng khi ăn thịt lợn bệnh

Không chỉ dịch lợn tai xanh đang hoành hành dữ dội tại nhiều địa phương, bệnh tả lợn cũng bắt đầu xuất hiện ở miền Bắc khi thời tiết chuyển mùa. Mới đây, TT Nghiên cứu lợn Thuỵ Phương (huyện Từ Liêm, Hà Nội) - là cơ sở bảo vệ nguồn gien của đàn lợn cả nước cũng đã báo cáo: Dịch tả trên đàn lợn đã quật ngã hơn 100 con lợn chỉ trong thời gian vài ngày. Số lợn này đã bị tiêu huỷ theo quy định.

Bộ NN&PTNT đã cảnh báo người dân về loại dịch bệnh này.

Đề phòng dịch bệnh, đương nhiên là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, điều băn khoăn mà nhiều người dân đặt ra là: Dịch tả ở lợn có thể lây sang người và lợn bị tả thì có thể mổ thịt để ăn hoặc đem bán được hay không?

Theo TS Hoàng Văn Tiệu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi- Bộ NN&PTNT: Về lý thuyết, lợn bệnh tả lợn không lây sang người. Tuy nhiên, tả lợn có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Đây là bệnh nguy hiểm, đứng thứ 2 (sau bệnh lở mồm long móng) trong bảng A của danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với vật nuôi.

Vi rút gây ra bệnh tả ở lợn mang tên Suipes tijer, lây truyền trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khoẻ, sống chung chuồng thông qua đường thức ăn, nước uống và các dụng cụ sử dụng làm vệ sinh chuồng trại. Lợn bị mắc bệnh tả sẽ chết 100% chỉ trong 5 - 7 ngày. Lợn nái mang thai sẽ sẩy thai do nhiễm siêu vi trùng tả.

Theo quy định của Cục thú y Thế giới và Cục thú y Việt Nam: tất cả mọi vật nuôi bị bệnh đều không được sử dụng để làm thức ăn cho người mà phải tiến hành tiêu huỷ để tránh mầm bệnh lây lan

“Trên thực tế, ở bệnh tả lợn, vi khuẩn tả sẽ chết ở 70 độ C. Điều này có nghĩa là nếu con lợn chỉ mắc một loại bệnh là tả mà lại được rán chín, hoặc xẻ nhỏ luộc chín tại chỗ (tức là xử lý qua nhiệt) thì vẫn có thể ăn được. Nhưng thói quen của người dân Việt Nam là sử dụng thịt tươi. Một con lợn bệnh vận chuyển đến đâu sẽ là nguồn lây lan cực kỳ nhanh cho đàn lợn ở nơi đó. Hơn nữa, với điều kiện chăn nuôi ở nước ta, lợn đã mắc bệnh tả thường dễ mắc thêm những loại bệnh khác như: “tai xanh”, liên cầu khuẩn, phó thương hàn...

Nguy hiểm nhất là bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, bởi bệnh này lây nhiễm sang người. Năm ngoái, đã có hàng chục bệnh nhân thiệt mạng do nhiễm liên cầu lợn, nhiều người khác phải mang di chứng suốt đời.

Chính vì vậy, biện pháp tiêu huỷ lợn bị tả là cách đúng đắn nhất, đỡ gây thiệt hại về kinh tế nhất”, TS Tiều nói.

Cẩn thận khi mua thịt lợn mùa dịch

Theo TS Tô Long Thành, Phó giám đốc TT Chẩn đoán Thú y T.Ư cho biết: "Đối với người chăn nuôi, việc phát hiện lợn bị bệnh tả khá dễ dàng, bởi có nhiều triệu chứng đặc trưng như: sốt rất cao, thân nhiệt giảm và ỉa chảy nặng, phân có mùi tanh khẳn. Do chưa có thuốc điều trị bệnh này nên lợn chắc chắn sẽ chết. Mổ lợn bệnh sẽ thấy các bộ phận nội tạng có hiện tượng xuất huyết.

Cả bệnh tả lợn và bệnh tai xanh đều gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi bởi một số người bất chấp quy định tiêu huỷ và hậu quả lây lan của dịch bệnh, vẫn lén lút mổ lợn bệnh đem bán.

Với người tiêu dùng, việc phát hiện lợn bị bệnh tả khá khó khăn, bởi các biểu hiện bệnh thường chỉ tập trung ở số cơ quan nội tạng như: có vết lở loét ở mang hồi, manh tràng (chỗ ruột non nối với ruột già), lá lách sưng nổi cộm như hình răng cưa ở xung quanh...

TS Long đưa ra lời khuyên: Cách tốt nhất người dân hãy mua thịt lợn đã qua kiểm dịch tại các cơ sở bán hàng có uy tín.

Nếu mua thịt ngoài chợ, cần quan sát kỹ, lựa miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Còn nếu nó cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Khi chế biến thịt lợn, tốt nhất là đeo găng, rửa tay xà phòng. Nấu thịt lợn thật chín.Không được ăn các món ăn tái, đặc biệt là món tiết canh lợn.

Các chuyên gia về thực phẩm cũng bổ sung thêm kinh nghiệm dành cho các bà nội chợ khi chọn mua thịt lợn:

- Thịt lợn tốt có màu tự nhiên, ngả màu hồng đào, lấy dao cắt thớ thịt tươi sẽ thấy có màu sáng, sờ vào tay có cảm giác hơi dính, thịt mới mổ có cảm giác hơi mềm và sẽ rắn hơn nếu để quá 6 giờ.

-Tuyệt đối không mua thịt có màu vàng vì có thể đây là biểu hiện của bệnh nghệ, căn bệnh rất dễ lây sang người nếu ăn vào,

- Tránh xa những tảng thịt phát hiện trong thớ có những hạt trắng, trông giống hạt gạo. Đó là con lợn bị mắc bệnh gạo, những hạt trắng đó là ổ ấu trùng sán.

- Thịt lợn có mầu đỏ sậm hơn hoặc xanh đen là thịt lợn bệnh để lâu. Thịt bị ôi, ruồi nhặng sẽ bâu vào nhiều hơn so với thịt bình thường.

P. Thanh