Ăn sốt vang nấu với phụ gia có hóa chất nhuộm tóc, 2 người ngộ độc

Tú Anh

(Dân trí) - Mới đây, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) tiếp nhận 2 trường hợp vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm sau 4 ngày ăn món bò sốt vang bằng gói phụ gia mua ở chợ. Vậy phụ gia thực phẩm dùng sao cho an toàn?

Gói phụ gia có hóa chất nhuộm tóc

Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 4 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân nấu sốt vang thịt bò với bột sốt vang mua từ chợ Yên Phụ. Sau nấu, nồi sốt vang có màu đỏ đậm rất bắt mắt, tuy nhiên khi ăn có vị đắng, nhưng  3 người trong gia đình vẫn ăn.

Sau ăn khoảng một ngày, 2 người có biểu hiện mệt, sốt nhẹ, buồn nôn, nước tiểu đỏ sau đó chuyển sang màu đen, hoa mắt chóng mặt, da và mắt vàng, một trường hợp được chuyển đến BV Xanh Pôn rồi chuyển sang Trung tâm chống độc.

Tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cho thấy có tổn thương gan, thiếu máu cấp với số lượng hồng cầu và huyết sắc tố đều giảm nặng.

Các bác sĩ xác định trường hợp bệnh nhân ngộ độc, nghĩ nhiều đến ngộ độc màu thực phẩm công nghiệp và yêu cầu gia đình mang gói bột sốt vang đến kiểm tra.

Ăn sốt vang nấu với phụ gia có hóa chất nhuộm tóc, 2 người ngộ độc - 1

Gói phụ gia nấu sốt vang được người nhà bệnh nhân mang đến.

Mẫu bột sốt vang gia đình mua ở chợ Yên Phụ có màu đỏ cam rực rỡ. Các bác sĩ đã gửi mẫu bột màu này đến Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia xét nghiệm. Kết quả cho thấy có Acid Orange 7 - là một sắc tố tổng hợp thường được dùng trong sản phẩm nhuộm tóc- với hàm lượng 20%. 

Hóa chất Acid Orange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Với liều cao, trên động vật có thể gây tan máu và methemoglobin. Trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người.

Theo tiêu chuẩn của ASEAN năm 2012 về hàm lượng phụ gia trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, hàm lượng Orange 7 được phép sử dụng, với liều tối đa cho phép là 300mg/kg (0,03%). Điều này có thể hiểu, sử dụng dưới ngưỡng là an toàn.

Sử dụng phụ gia sao cho an toàn?

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), việc sử dụng chất tạo màu thực phẩm, giúp món ăn bắt mắt rất được nhiều bà nội trợ ưa thích bởi nó tăng thêm hương vị, màu sắc cho món ăn.

Các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm đều phải được nghiên cứu sâu, rộng và chứng minh về tính an toàn.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, Việt Nam cho phép sử dụng 400 loại phụ gia thực phẩm. Các phụ gia được phép sử dụng đều tuân theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế.

Khi sử dụng các phụ gia được phép sử dụng, trong giới hạn hàm lượng an toàn thì món ăn không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng những phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm sẽ tiềm tàng những nguy hiểm không ngờ, thậm chí gây ngộ độc cấp tính do dùng quá liều cho phép như trường hợp trên.

Để sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, việc chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm