Ăn quả hồng giòn, người đàn ông suýt mất mạng?
(Dân trí) - Mua hồng giòn về ăn, anh D. phát hiện mình đau tức vùng thượng vị, đầy, nóng bụng. Ngay sau đó, anh D. được đưa đến bệnh viện và được bác sĩ cấp cứu thành công.
Ngày 17/11, Bệnh viện đa khoa khu vực (ĐKKV) Tây Bắc Nghệ An - cho biết, một ngày trước đơn vị tiếp nhận bệnh nhân N.T.H.D. (57 tuổi) vào nhập viện khi xuất hiện triệu chứng đau tức vùng thượng vị, đầy, nóng bụng.
Qua khai thác tiền sử bệnh nhân, anh D. cho biết, trước đó anh có mua 1kg hồng giòn về ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn anh phát hiện trong người có nhiều biểu hiện lạ, khó chịu, đau nhức...
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày và bất ngờ khi phát hiện khối bã thức ăn lớn kích thước 3x5 cm (nằm ở dạ dày) tạo thành khối màu trắng ngà, cứng chắc, gây viêm xuất huyết niêm mạc dạ dày.
Bác sĩ chuyên khoa I (BSCKI) Vương Khả Vinh - Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện ĐKKV Tây Bắc cho biết, ê-kíp bác sĩ đã tiến hành lấy khối bã thức ăn qua nội soi mềm, bằng cách cắt khối bã lớn thành nhiều miếng nhỏ, rồi lấy ra ngoài qua đường miệng.
Sau hơn 1 giờ thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp, cuối cùng toàn bộ khối bã thức ăn đã được lấy ra ngoài. Bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, ăn uống bình thường trở lại vào ngày hôm sau.
BSCKI Vương Khả Vinh lưu ý, mọi người nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Cũng theo BSCKI Vương Khả Vinh, ngoài ra, thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
"Với người ăn quả hồng thì loại này chứa khá nhiều tanin và pectin, đặc biệt là hồng ngâm, nếu ăn lúc đói chúng sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị, sẽ lưu lại trong dạ dày và hình thành cục dị vật dạng bã thức ăn trong đó", BS Vinh cho biết.