1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn lòng thì khó an lòng

Liên tiếp gần đây, các cơ quan chức năng ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… bắt giữ nhiều xe vận chuyển nội tạng động vật vào tiêu thụ ở TPHCM. Đa số các nội tạng này đều quá hạn sử dụng và đang trong quá trình phân huỷ, bốc mùi hoặc đã được tẩm ướp hoá chất!

  

Chỉ nên ăn nội tạng động vật một – hai lần/tuần. Ảnh: Thiên Lang

Chỉ nên ăn nội tạng động vật một – hai lần/tuần. Ảnh: Thiên Lang

 

Ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu hàng tấn nội tạng động vật hôi thối, đang trong tình trạng phân huỷ như thế “thoát” ra ngoài thị trường, vào tới bàn ăn từng nhà.

 

Tuy nhiên, hàng tấn nội tạng đang hiện diện trong các quán xá, gia đình vẫn chứa những nguy cơ khác cho sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Ngon chưa chắc lành

 

Các món ăn được chế biến từ nội tạng động vật đều có nguy cơ nhiễm các loại hoá chất dùng để tẩy trắng, làm tươi như SO2, Na2SO3, NaHSO3, KHSO3, hay KNO3 (tên dân gian là muối diêm). Tác hại của các loại hoá chất này đối với sức khoẻ con người ra sao đã được chúng tôi đề cập trong các bài trước đây (xem SGTT ngày 16.8.2013; 11.10.2013...) Ngoài ra, theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thì sử dụng các món ăn từ nội tạng động vật còn có ba nguy cơ khác: thứ nhất, nội tạng động vật hấp dẫn như ruột già, đặc biệt là lòng non như lòng heo, lòng gà, lòng bò chứa nhiều cholesterol và hàm lượng chất béo rất cao. Thứ hai, nội tạng chứa các ký sinh trùng như giun, sán… Thứ ba là nguy cơ nhiễm khuẩn gây ra các bệnh thương hàn, tả, lỵ và các vi trùng kỵ khí gây nhiễm trùng đường ruột.

 

Nhiều người cho rằng không nên ăn gan động vật vì gan là bộ phận lọc chất độc của cơ thể, chất độc tích tụ nhiều trong gan. TS Danh giải thích, gan chứa nhiều vitamin A và chất sắt, nhưng gan động vật rất dễ nhiễm các loại ký sinh trùng như sán lá gan, độc tố của vi khuẩn, virút và nấm mốc như độc tố aflatoxin gây ung thư gan, các chất độc khác có thể tích lại ở gan trong quá trình khử độc như thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi. TS Danh đưa ra lời khuyên: “Nội tạng động vật là món ăn khá hấp dẫn nhưng có nhiều nguy cơ gây bệnh khó loại bỏ. Vì vậy, người tiêu dùng phải cẩn thận, không mua và sử dụng nội tạng không rõ nguồn gốc. Đối với người gầy, chỉ nên ăn nội tạng vừa phải, tốt nhất ăn một đến hai lần/tuần. Hạn chế ăn các nguồn chất béo khác và nên kết hợp ăn nhiều rau, quả có chất xơ để giảm thiểu sự hấp thu các chất béo. Người thừa cân, béo phì, người có rối loạn chuyển hoá chất béo như tăng cholesterol, triglycerid, người bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch không nên ăn lòng động vật”.

 

Lành thì mất ngon

 

Ở các hàng quán vỉa hè, đồ lòng thường được chế biến sơ sài, sau đó sử dụng phụ gia để át mùi hôi đặc trưng và tăng hương vị cho món ăn. Còn ở gia đình, lại có tình trạng chế biến quá kỹ khiến món ăn mất ngon.

 

Giảng viên Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn đại học Hoa Sen cho biết, đồ lòng là món ăn khá hấp dẫn, nếu sơ chế kỹ quá thì không còn hấp dẫn để thưởng thức. “Đa số các gia đình đều sơ chế quá kỹ vì cảm giác e sợ giun, sán có trong bộ đồ lòng. Nhưng sơ chế như vậy là quá kỹ, khiến đồ lòng mất ngon. Chỉ cần rửa đồ lòng dưới vòi nước cho thật sạch rồi đem luộc với nước mắm để khử mùi”, bà Quyên nhận xét. Theo bà, chẳng hạn khi sơ chế bao tử, phải cạo sạch bên ngoài, ngâm rượu, giấm, muối; sau đó lộn bên trong ra ngoài tiếp tục làm như trên hoặc cho thêm bột năng, bột gạo hoặc nước vo gạo vào. Tiếp tục cho lên bếp luộc với nước có pha phèn chua, rồi tiếp tục áp trong chảo nóng cho hết mùi hôi. Tiếp đó nấu nước mắm và tiêu cho bao tử vào trụng 5 – 10 phút, lấy ra cạo sạch chà muối và chà xát chanh cho trắng. Với ruột, phèo non thì ít cầu kỳ hơn nhưng cũng phải lộn ra và xả qua vòi nước chảy nhiều lần.

 

Theo Sa Đồng

Sài Gòn tiếp thị