Ẩn họa từ thực phẩm ăn sẵn

Thay vì tất bật đi chợ chọn mua đồ ăn để nấu nướng, nhiều phụ nữ lựa chọn đồ ăn sẵn trong các bữa cơm gia đình. Sự tiện lợi ấy đôi khi cũng mang lại những hậu quả không mong muốn và thường gặp nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm.

  

Ẩn họa từ thực phẩm ăn sẵn - 1

Ảnh minh họa

Ăn cả e.coli

 

Theo một kết quả khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tỉ lệ thực phẩm chín bày bán trên đường phố nhiễm E.coli với tỷ lệ rất cao. Tại TP.HCM, kem ký bán ở cổng trường tiểu học tỷ lệ số mẫu nhiễm E.coli là 96,7%; kem que bán ở cổng trường tiểu học 83,3%; thức ăn sẵn bán ở đường phố 90,0%. Ở Hà Nội, món nộm thập cẩm tỷ lệ nhiễm là 78,0%; nem chua 88,0%; giò, nem chạo 88,0%... Đặc biệt, gần 70% mẫu thịt quay có sử dụng phẩm màu độc và bị ô nhiễm vi sinh vật, 36% xúc xích, lạp xường, jambon và 88% nem chạo, nem chua, giò, chả chứa coliform; dụng cụ bát, thìa, đĩa bị bẩn ở các hàng ăn uống đường phố chiếm hơn 80%

Sở dĩ thực phẩm chế biến sẵn có tỷ lệ nhiễm E.coli cao đến vậy là do việc chế biến không đảm bảo tuân thủ quy trình vệ sinh. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ chế biến và vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm. Đó là chưa kể các thực phẩm ăn sẵn còn sử dụng các loại phụ gia không an toàn, hoặc cho các thành phần có màu sắc, mùi vị giống với thực phẩm thật để đánh lừa người tiêu dùng như ruốc thịt  làm từ bã sắn dây tẩm gia vị rang vàng, trộn với ruốc thịt thật tỷ lệ 7-3 rồi bán ra thị trường với giá rẻ.
 

Mỗi khi nhắc đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều người lại tặc lưỡi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thế nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra liên tiếp bởi thực phẩm ăn sẵn được để chềnh ềnh dưới nắng, bụi mà không được che đậy. Còn những người bán hàng thay vì phải dùng găng nilon như qui định thì vẫn sử dụng tay không để bốc thức ăn. Vẫn theo kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli cũng rất “ấn tượng”. Tại Hà Nội là 43,42%; người làm trong khách sạn, nhà hàng là 62,5%; trong bếp ăn tập thể là 40%. Còn tại TP.HCM, tỷ lệ bàn tay người chế biến thực phẩm nhiễm loại khuẩn này là 67,5%.

 

Giới chuyên môn khẳng định, ăn thức ăn bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, người bệnh có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao. Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), không ngày nào không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Gần đây nhất là 2 sinh viên ở Hà Nội bị ngộ độc thực phẩm vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng quằn quại, nôn thốc nôn tháo đi kèm tiêu chảy. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết mới bắt đầu nắng nóng, nhưng số người bị ngộ độc thực phẩm vào Trung tâm đã tăng đáng kể, trong đó có những trường hợp rất nặng nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn là do sử dụng thực phẩm không an toàn, bên cạnh đó nhiều người bán hàng vì lợi nhuận đã bất chấp tính mạng của khách hàng nên vẫn bán cả đồ ôi thiu cho khách. 

 

Nghèo dinh dưỡng, nhiều mầm bệnh!

 

Không chỉ có thức ăn sẵn mà nhiều gia đình đặc biệt là giới trẻ đã lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, mỳ ăn liền, kẹo, bánh quy, thức ăn chiên, bánh nướng... Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những thực phẩm tiện lợi ấy có thể gây hại cho sức khỏe bởi chứa nhiều transfat. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, transfat còn được gọi là chất béo chuyển hóa, là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Nó làm tăng mức cholesterol xấu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây đông đặc máu, tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến máu không thể lưu thông, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.
 
Theo thống kê, tại New York (Mỹ) hàng năm có hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến chất béo này. Những loại thức ăn này chứa quá nhiều năng lượng và chất đạm, trong khi đó lại rất ít chất khoáng, rau xanh và vitamin. Do đó, đồ ăn nhanh thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng. Đó là chưa kể đến việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào, sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

 

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm