Ăn 5kg giun đất để chữa đái tháo đường!
(Dân trí) - “Nghe theo một “bài thuốc” được truyền miệng, đó là lấy địa long (giun đất) tươi mổ bỏ ruột, sao khô đun lấy nước uống để chữa ĐTĐ, tôi đã làm theo. Lần đầu tiên uống, tôi đã nôn thốc nôn tháo vì mùi thuốc tanh khủng khiếp..."
Loạn thông tin hướng dẫn bệnh
Cách đây 13 năm (năm 57 tuổi), trong một thời gian ngắn, bà Sát sụt từ 70kg, xuống còn 54kg. Khi tới viện khám có kết quả chẩn bệnh là ĐTĐ, bà Sát ngất lên ngất xuống vì nghĩ mình chết tới nơi. Khi thấy uống thuốc tây y không thấy đỡ, bà càng hoảng hốt. Từ đó, ai mách ăn, uống bất cứ cái gì bà đều làm theo. Không chỉ có “kỷ lục” ăn hết cả 5kg giun đất tươi, sấy khô mà cứ nghe nói ở đâu có thầy mễ (thầy lang) giỏi là bà lại đến tận nơi để cắt thuốc. Uống không biết bao thang thuốc của 3 thầy lang ở tận Thái Nguyên được giới thiệu là rất giỏi, không bó tay trước bệnh nào, kể cả ung thư… mà căn bệnh ĐTĐ của bà vẫn không tiến triển.
Rồi bà nghe mọi người nói, người bị ĐTĐ tuyệt đối không được ăn cơm. Thế là từ đó, mỗi khi ngồi vào mâm cơm, bữa ăn của bà chỉ diễn ra trong 2 phút là kết thúc. Bà cũng muốn ăn từ tốn, ăn nhẩn nha lưng bát cơm xuất của mình nhưng ngửi mùi cơm, rồi thấy mọi người xới cơm, bà thèm tới mức không chịu nổi. Vì thế, cứ vừa ngồi vào mâm, chan tí nước canh, bà soàn soạt chưa đầy hai phút là xong bữa rồi vội đứng dậy. Còn để đỡ đói, bà đành ăn "bù" bằng các thực phẩm khác như củ dong giềng, khoai lang…
Trong khi đó, trường hợp của bác Chu Văn Tắc, ở Hà Nội thì khác hẳn, bác Tắc có vợ bị bệnh đái tháo đường đã hơn 7 năm, là người thân thường xuyên chăm sóc giúp đỡ vợ nên ngày nào bác Tắc cũng lên internet để tìm thông tin hỗ trợ. Nhưng theo bác Tắc thì hiện có quá nhiều thông tin về bệnh ĐTĐ, mỗi người nói một nẻo, mỗi sách nói mỗi khác chẳng biết đâu mà áp dụng, bác Tắc đề nghị Hội người giáo dục bệnh ĐTĐ Việt nam nên chuẩn hóa kiến thức thành cẩm nang và bản tin để phổ biến kiến thức cho người bệnh; nghiêm cấm phổ biến những thông tin sai trái ảnh hưởng đến người bệnh.
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược phòng chống ĐTĐ khẳng định, không phải bị ĐTĐ là hết, mà người bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể sống tốt. Ông lấy dẫn chứng về hai vợ chồng người Anh tham dự một hội nghị về ĐTĐ năm 2004, cả hai vợ chồng dù đang bị ĐTĐ (vợ bị ĐTĐ từ năm 18 tuổi, nay đã 78 tuổi) vẫn đang sống rất khoẻ.
Vì thế, người bệnh ĐTĐ không nên quá hoang mang về bệnh tật của mình. Nếu được phát hiện sớm, chữa trị đúng thì không ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ, vẫn khống chế tốt không để các biến chứng xảy ra.
Theo PGS Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, do ĐTĐ diễn biến âm thầm, nên 67% bệnh nhân chỉ phát hiện khi có biến chứng. Nhiều người dân tự nhiên thấy rụng răng hay đột nhiên nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ... đi thử đường huyết mới biết bị đái tháo đường.
Để giúp người dân có thể phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức "Ngày hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cảnh báo đái tháo đường" diễn ra trong cả ngày 14/11, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ Hà Nội. Mọi người dân có nhu cầu có thể đến thử máu miễn phí để kiểm tra phát hiện đái tháo đường (từ 6 giờ sáng đến 14 giờ 30 chiều).
Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 người được các bác sĩ chuyên khoa nội tiết của nhiều bệnh viện kiểm tra đường huyết, tư vấn dinh dưỡng, dùng thuốc trong dịp này. |
Hồng Hải