Ẩm thực từ... hoa
Đất nước ta thuộc xứ nhiệt đới, có hàng ngàn thứ cây lá hoa cỏ xanh tươi. Mùa xuân, mưa thuận gió hòa làm cho trăm hoa đua nở, cây lá phát triển dồi dào. Từ lâu đời, nhân dân ta đã biết tận dụng các thứ hoa lá cỏ cây làm thức ăn.
Các phân tích khoa học đã thừa nhận rằng trong hoa lá, giọt mầm của cây cỏ mà dân ta thường ăn đều có chứa nhiều sinh tố, chất dinh dưỡng, khoáng chất bổ sung những thứ cần thiết cho cơ thể. Không những thế, nó còn có nhiều dược tính chữa được các bệnh thông thường có hiệu quả.
Ngày xuân, chúng ta không chỉ hái lộc cầu may; ngắm hoa, thưởng hoa cho tâm hồn thanh nhẹ mà còn có thể mang hoa về...ăn cho bớt ngán những thứ "sơn hào hải vị". Ta hãy thưởng thức một số hoa sau đây:
- Hoa bèo tây (lục bình) cũng được góp mặt trong các nhà hàng với móm lẩu mắm. Cùng với rau cù nèo, đắng đất, cải bẹ, rau nhúc, rau dừa... hoa bèo tây mang màu cánh tím bình đẳng với các thứ rau trên, làm cho lẩu mắm thêm phong phú đậm đà chất dân dã. Món ăn này phổ biến ở vùng Nam Bộ.
-Hoa chuối thì quá quen thuộc với dân ta khắp từ miền ngược tới miền xuôi rồi. Nhà nghèo không tiền mua thịt cá, có thể luộc hoa chuối chấm mắm cũng ngon. Ngày bộ đội ta vượt Trường Sơn đánh Mỹ, hoa chuối rừng là món thực phẩm khá hấp dẫn các chàng lính trẻ. Trong các nhà hàng, người ta làm món nộm hoa chuối với bì lợn, tai mũi lợn hay gà xé phay, có các loại rau gia vị và một ít lạc rang giã dập, là món các tay bợm nhậu ưa thích, giá lại bình dân.
- Hoa điên điển có nhiều ở vùng đất phèn mặn miệt vườn Nam Bộ, Hoa điên điển gần giống như hoa so đũa. Người ta lấy về hàng rổ, luộc hoặc ăn sống chấm mắm, nước cá kho. Đơn giản hơn là làm dưa ăn cũng không kém phần hấp dẫn.
- Hoa kim châm trồng nhiều ở Đà Lạt. Người ta phơi khô làm thuốc, còn hoa tươi thì nấu canh với cá, cho thêm ít nấm mèo và bún tàu thì bát canh thật ngọt. Đây là món ăn hơi... bị sang, bởi ít người đã được thưởng thức.
- Hoa lẻ bạn mọc ở các vùng đồi bán sơn địa. Dùng hoa nấu canh với xương lợn, ăn mát và bồi bổ cơ thể bị suy nhược. Người ta cũng dùng hoa làm thuốc trị bệnh ho.
- Hoa rau mỏ trồng ở bờ rào hoặc bắc dàn cạnh bể nước, chum nước mưa cho mát. Hoa rau mỏ từng chùm giống như hoa thiên lý, nhưng cánh hoa nhỏ hơn. Hái hoa cùng với lá non, nấu canh cua hoặc tôm giã nhỏ, canh rất ngọt. Không có thức gì nấu, có thể nấu bát canh suông hoa rau mỏ với mấy đũa mắm tôm cũng qua được bữa
Hoa mướp
- Hoa mướp không có nhiều như hoa bí, vì mỗi nhà trồng một dàn nhỏ đủ quả ăn, còn thừa chút ít mới đem bán. Lấy từng chùm hoa mướp đực (hoa cái để dành cho đậu quả) mang xào mỡ hoặc mồng tơi, rau đay. Hoa mướp đã nở, cánh hoa thấm mỡ, ăn rất ngậy. Còn nụ chưa bung ra thì ăn lại có vị bùi rất khoái khẩu.
-Hoa so đũa cũng nhiều như hoa điên điểm. Hoa có màu trắng và màu tím. Cá trê nấu canh với hoa so đũa là món giải nhiệt vừa béo vừa ngọt. Cũng có thể xào hoa với thịt bò, thịt lợn nạc hoặc đơn giản là luộc chấm với nước cá kho, nước mắm cũng ăn được hết nồi cơm.
Trên đây chỉ là một số món ăn từ hoa khá phổ biến trong cả nước. Ở từng địa phương, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thì món ăn từ hoa chắc chắn còn rất nhiều. Nhân ngày xuân, ta thưởng thức tạm vài món hoa cho lạ miệng sau những ngày ăn nhiều thịt cá.
Theo Văn hóa nghệ thuật ẩm thực