Ấm lòng Tết bệnh viện
(Dân trí) - 28 Tết, ngày làm việc cuối cùng của kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm, mọi người đều hối hả chuẩn bị về nhà đón năm mới nhưng tại các Bệnh viện, những bệnh nhân nặng và người thân không khỏi bùi ngùi khi buộc phải đón Giao thừa trong bệnh viện.
San sẻ thiệt thòi với người nằm viện
Sáng 28 Tết, sau khi rà soát, để những người bệnh đã ổn định về quê ăn Tết, tại BV Bạch Mai vẫn có khoảng 900 - 1.000 người bệnh không thể rời khỏi sự chăm sóc y tế đặc biệt của các cán bộ y tế.
Cũng trong ngày, Ban Giám đốc Bệnh viện, trực tiếp là PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc, đã đi thăm và tặng quà các bệnh nhân, chia sẻ những thiệt thòi về tình cảm với người bệnh không thể đoàn tụ gia đình trong ngày Tết cổ truyền của người Việt.
Thêm nữa, trong 4 ngày Tết (từ 30 đến hết ngày mùng 3), BV Bạch Mai cũng cung cấp bữa ăn miễn phí cho các bệnh nhân đang nằm viện.
“Món quà tuy nhỏ, nhưng là tấm lòng mong muốn chia sẻ tình cảm với bệnh nhân trong dịp Tết đến Xuân về. Người bệnh trong viện vẫn có Tết. Và quan trọng nhất, họ vẫn được chăm sóc y tế một cách tốt nhất bởi luôn có chúng tôi ở bên”, TS Quốc Anh cho biết.
Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày Tết vẫn sẽ có hơn 400 nhân viên y tế trực để khám và điều trị cho các bệnh nhân. Không chỉ trực cấp cứu, khoa Khám bệnh vẫn có bàn khám bệnh như bình thường.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chiều 28 Tết, như thường lệ vào ngày làm việc cuối cùng của năm, Ban lãnh đạo Viện đến từng giường bệnh để chúc Tết, động viện từng người bệnh và gia đình yên tâm ở lại điều trị bệnh trong dịp này.
Trước đó, sáng 28, những chuyến xe nghĩa tình xuất phát từ bệnh viện cũng đã đưa những người bệnh đang điều trị được về quê ăn Tết.
Bà Phan Thị Sáng ( Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cùng cháu nội là bé Hoàng Hữu Tiến 5 tuổi bị bệnh về máu, bước lên xe, mắt rưng rưng vì cảm động.
Bà cho biết, trước đó, biết lịch trình điều trị của cháu đến 28 Tết là hết, nghĩ đến cảnh ra bến bắt xe bà đã nản vì cháu vừa hóa chất xong, yếu, đi xe đông đúc dễ lây nhiễm bệnh. Mà nói bố mẹ cháu đi xe máy xuống đón thì cũng xa xôi, vất vả.
“Chúng tôi cảm ơn lắm, sự chăm lo của các bác sĩ đến chúng tôi, từ những điều đơn giản nhất”, bà Sáng chia sẻ.
Đón giao thừa với thân nhân người bệnh
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, năm nào cũng vậy, đêm 30 - ở thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, sảnh ngoài khoa Cấp cứu đều có một bàn tiệc bày bánh mứt kẹo. Các bác sĩ trực, thay vì đón Tết cùng gia đình sẽ cùng đón năm mới với thân nhân và bệnh nhân đang điều trị tại khoa.
“Năm nào cũng vậy, đã trở thành nếp, chúng tôi muốn gần gũi, san sẻ với những người bệnh, thân nhân người bệnh thiệt thòi phải đón Tết tại bệnh viện”, BS Cấp cho biết.
Với các bác sĩ, học là những người thân, là một phần cuộc sống. Bởi bệnh nhân tại khoa đều quen mặt vì bệnh trọng, thời gian nằm viện khá lâu.
Cô bé Triệu Thị Nga (15 tuổi, Tuyên Quang) đã nghỉ học, chăm anh trai Triệu Tiến Nguyện (19 tuổi) bị viêm màng não. Em cho biết, bố mẹ phải về lo chuyện nhà, rồi thu xếp tiền nong điều trị cho anh, em được “triệu” lên thay bố mẹ chăm anh.
“Lúc đầu đến em lo lắm vì anh nằm hôn mê, thở máy, không biết chăm anh như thế nào. Nhưng rồi các y bác sĩ hướng dẫn, em đã thành thục chăm sóc anh từ miếng ăn, lau rửa”, em Nga chia sẻ.
Nga cho biết, nếu phải thay mẹ chăm anh tại viện, cô bé cũng không buồn mà chỉ mong anh tỉnh lại. Còn nếu về nhà đón Tết, ở một mình ở nhà cô bé cũng không run, vì có hàng xóm láng giềng và chắc chắn sẽ dành thời gian làm bài tập trong những ngày nghỉ.
Chiều 28 Tết, nhận món quà nhỏ từ tấm lòng của nhóm tình nguyện hảo tâm là phong bao lì xì 500 nghìn, cô bé rất vui, mong ước đây là điều may mắn để anh mình sẽ tỉnh dậy.
BS Cấp cho biết, trong dịp Tết, ngoài tổ chức đêm Giao thừa, bệnh viện cũng có từng phần quà gửi đến bệnh nhân đang nằm viện.
Dự kiến dịp Tết sẽ có khoảng 30 bệnh nhân nằm tại khoa. Nhưng do đặc thù là khoa Cấp cứu, khoảng 30 Tết, rồi mùng 3 Tết bệnh nhân lại tăng lên do tuyến dưới chuyển lên, những người bệnh cố ở nhà qua năm mới quay trở lại viện. Vì thế, khoa đã sắp xếp, bố trí nhân lực trực đảm bảo đáp ứng điều trị cho người bệnh.
Hồng Hải