Ấm lòng bữa cơm tất niên của bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Trưa ngày 22/1, Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) tổ chức bữa cơm tất niên cho bệnh nhân ung thư đang điều trị. Hơn một trăm mâm cơm tất tiên với 8 món: Gà ta hấp lá chanh, canh măng nấu móng giò, nem, bánh chưng, củ quả luộc chấm muối vừng…

Với truyền thống của người Việt từ xa xưa đến nay thì bữa cơm tất niên luôn là những giây phút quây quần của mỗi gia đình khi cùng đón chào năm mới. Với mong muốn đem đến không khí đoàn viên ấm áp trong bệnh viện, trưa ngày 22/01 tức 28 tháng Chạp, tại cơ sở Tân Triều, Bệnh viện K tổ chức Chương trình Tết yêu thương - Cơm sum vầy với 110 mâm cơm tất niên ngay tại căng tin của bệnh viện. Gần 600 người bệnh cùng tham gia bữa cơm ấm cúng với lãnh đạo Bệnh viện.

Ấm lòng bữa cơm tất niên của bệnh nhân ung thư - 1
Bữa cơm tất nhiên của bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều trưa ngày 22/1.

Bữa cơm tất niên gồm 8 món: gà ta hấp lá chanh, canh măng nấu móng giò, bánh chưng-hành muối, nem, củ quả luộc chấm muối vùng, giò lụa, cơm tám, thịt rang cháy cạnh.

Vui vẻ ăn bữa cơm tất niên cùng những bệnh nhân khác, cô Nguyễn Thị Sơn, 73 tuổi, ở Hưng Yên cho biết bản thân mắc ung thư đại trực tràng đã mổ được nửa năm. Sau bữa cơm này cũng vừa đúng lúc truyền hết thuốc nên cô sẽ được về nhà ăn Tết cùng gia đình.

“Truyền hết chai ‘bom’ này là tôi được về nhà”, cô Sơn cùng những người bệnh khác vui vẻ gọi bộ bơm truyền hóa chất cô đang kè kè bên mình là chai “bom”. Đây là lần truyền thứ 7 của cô.

“Lần đầu truyền, tôi cũng thấy mệt lắm, suốt một tuần không ăn được, không muốn ăn. Những lần sau thì khá hơn nhiều, giờ thì tôi thấy khỏe hơn rồi. Ăn uống cũng không phải kiêng khem gì, thích ăn gì thì ăn”, cô Sơn phấn khởi nói.

Ấm lòng bữa cơm tất niên của bệnh nhân ung thư - 2
Cô Sơn được mắc ung thư đại trực tràng đã mổ được nửa năm.

Phần lớn bệnh nhân sẽ được cho ra viện về quê ăn Tết, tuy nhiên một số sẽ phải ở lại tiếp tục điều trị, chủ yếu là những trường hợp vừa mổ xong. Bác Nguyễn Thị V đang truyền hóa chất tại khoa Nội 5 cho biết: “Lần điều trị này đúng vào dịp Tết nên tôi không về ăn Tết cùng gia đình được. Lúc đầu cũng thấy chạnh lòng, nhớ nhà khi thấy nhiều người được về quê. Nhưng giờ tôi không thấy buồn vì còn những bệnh nhân khác giống tôi”.

“Chúng tôi tổ chức bữa cơm tất niên thân mật trong không khí hết sức đầm ấm để tất cả người bệnh cảm nhận sự chia sẻ của bệnh viện, bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ như tình cảm mà những người thân trong gia đình dành cho nhau”, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết.

Ấm lòng bữa cơm tất niên của bệnh nhân ung thư - 3

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K chúc sức khỏe và bình an đến bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. 

Nhân dịp này, Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng trao những phong bao lì xì may mắn, chúc sức khỏe và bình an đến người bệnh. Đồng thời 104 xuất cơm cũng được đưa đến từng giường bệnh với những bệnh nhân không đủ sức khỏe để tham gia bữa cơm.

Theo chuyên gia dinh dưỡng người bệnh ung thư đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng). Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào, nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút.

Ngoài ra, tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng. Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo. Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. 

Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...). Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.

Nam Phương