1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ám ảnh sợ mắc Covid-19, nhiều người lạm dụng test nhanh

Nam Phương

(Dân trí) - Từ khi phát hiện con gái lớp 9 mắc Covid-19, ngày nào chị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tự làm test nhanh vì thấy ho nhiều. Đến nay, sau một tuần chị và 2 thành viên khác trong nhà đều âm tính.

Ngay khi dịch ở Hà Nội có dấu hiệu nóng lên, chị Thanh đã mua sẵn một hộp test nhanh Covid-19 của Hàn với giá 65.000/que. Thỉnh thoảng dính F1, chị đều tự test. Mới đây, thấy con có dấu hiệu sổ mũi, rát họng, hơi mệt chị cũng thử test thì lên 2 vạch. 

Thấy nhiều gia đình cứ một người mắc lây cho cả nhà khiến chị cũng phát hoảng. Cộng thêm thời tiết Hà Nội đợt này rét đậm, chị bị sổ mũi, ho nên hôm nào chị cũng tự test Covid-19. Rất may là đến nay sau một tuần, cả 3 người còn lại trong nhà đều âm tính. 

Ám ảnh sợ mắc Covid-19, nhiều người lạm dụng test nhanh - 1

Dù test âm tính song chị Thanh lúc nào cũng lo mình mắc Covid-19.

"Nghĩ cũng xót tiền vì test liên tục, nhưng không test thì không yên tâm vì sợ lây cho chồng và cháu còn lại. Tôi đã mua thêm 2 hộp nữa để dự trữ vì cũng không biết lúc nào mình thành F0, F1", chị Thanh chia sẻ. 

Trường hợp như chị Thanh không phải hiếm gặp. Rất nhiều người vừa tiếp xúc với F0 đã muốn đi test Covid-19 ngay xem mình có mắc bệnh hay không, để tránh lây cho người khác. Tuy nhiên, theo các bác sĩ việc test cũng cần thực hiện đúng thời điểm, tránh lãng phí. 

TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết làm xét nghiệm Covid-19 cũng cần phải có thời điểm, không phải cứ test bừa bãi. Lý do vì không phải ai nhiễm rồi cũng có biểu hiện ngay mà phải có thời gian ủ bệnh, nếu test ở giai đoạn sớm quá kết quả cũng không chính xác. Vì thế, người dân nên chờ, nhanh nhất cũng phải 2 ngày. 

Ngoài ra, khi trong một gia đình phát hiện một trường hợp dương tính có thể test để phân tách F0 và F1, tránh lây nhiễm. 

"Những trường hợp không triệu chứng có thể làm test gộp tuy nhiên chỉ nên dùng 3 que ngoáy mũi cho một test nhanh để đảm bảo kết quả. Sau đó nếu không có triệu chứng thì đến ngày thứ 5 tiếp tục test một lần nữa, nếu âm tính thì gần như chắc chắn không bị lây. Có nhiều gia đình, ngày nào cũng test rất lãng phí và không để làm gì", TS Thái cho biết.

Chung quan điểm này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết việc test liên tục không có giá trị lại gây lãng phí. 

Chẳng hạn, một người vừa tiếp xúc với F0 mà xét nghiệm ngay thì không thể lên được. Vì nếu lây nhiễm thì cần có thời gian để virus nhân lên, phát triển đến một mức độ nhất định để có thể phát hiện được, ít nhất 3-4 ngày. Người dân nên test khi có triệu chứng, nếu không có triệu chứng thì test vào ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 7 để yên tâm nhất. Trong quá trình đó, nếu lo lắng thì nên tuân thủ tuyệt đối 5K. Trừ khi bạn sống cùng người già, phụ nữ mang thai… cần tránh một cách cẩn thận thì ngày thứ 4 nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm. 

Ám ảnh sợ mắc Covid-19, nhiều người lạm dụng test nhanh - 2

"Nếu trong gia đình có một người dương tính, thì lưu ý đảm bảo vấn đề cách ly. Những người còn lại trong gia đình không nhất thiết phải test ngay, chỉ test khi có triệu chứng và cũng không cần phải ngày nào cũng test. Khả năng cả nhà lây cho nhau là rất lớn vì ăn uống sinh hoạt chung, tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ chồng mắc mà vợ không bị", TS Thanh nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia thời tiết miền Bắc những ngày vừa qua nhiệt độ xuống thấp khiến người khỏe cũng thấy mệt mỏi, viêm họng, vì thế không phải trường hợp nào có triệu chứng cũng là do Covid-19. 

"Trong giai đoạn hiện nay cũng không cần thiết phải làm PCR, rất lãng phí, nếu test nhanh dương tính 2 lần là đã có thể khẳng định. Việc làm PCR để xem tải lượng virus bao nhiêu là không cần thiết, vì dù CT có 34-35 thì người đó vẫn phải cách ly, nó chỉ có ý nghĩa là khả năng lây bệnh thấp", TS Thanh phân tích. 

"Mọi người không nên sợ hãi quá, khi đã được tiêm vaccine đầy đủ thì chúng ta cần có thái độ thích ứng một độ nhất định", chuyên gia nhấn mạnh.

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, F0 đã tiêm đủ liều vaccine không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nếu cách ly, theo dõi đủ 7 ngày và test nhanh âm tính thì có thể dỡ bỏ cách ly, song vẫn phải tiếp tục theo dõi trong những ngày tiếp theo.  

Tương tự với F1 đã tiêm đủ liều vaccine cũng chỉ cách ly, theo dõi trong 5 ngày và test vào ngày thứ 5. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm