Ai có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng?
(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới. Ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên nếu có các yếu tố sau.
TS.BS Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng cho biết, ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng đang có xu hướng tăng lên. Theo GLOBOCAN 2018 (Ghi nhận ung thư) có khoảng 1,8 triệu ca mới mắc chiếm 10,2 % và khoảng 880 nghìn ca tử vong chiếm 9,2 % tổng số ca tử vong do ung thư đại trực tràng.
Ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới với số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong. Cũng theo thống kê của WHO, với nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.
Ai cũng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, tuy nhiên có những yếu tố sau sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh:
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh
Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng. Bằng chứng là 57% người trưởng thành tại nước ta ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi lại ăn nhiều thịt; Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, gan) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, thức ăn nhanh), thịt nấu ở nhiệt độ rất cao (rán, nướng).
Uống bia rượu, hút thuốc lá
Một nửa nam giới Việt Nam uống rượu bia ở mức nguy hại; đàn ông Việt hút thuốc rất phổ biến. Bia rượu, thuốc lá đều là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng.
Ít vận động thể lực, béo phì
Nguy cơ ung thư sẽ gia tăng ở các đối tượng này.
Tuổi tác và di truyền
Ngoài lối sống, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%.
Tuổi càng cao càng có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng, đặc biệt nguy cơ tăng cao rõ rệt sau 50 tuổi.
Ngoài ra những người có tiền sử bị polyp; tiền sử bị viêm đại-trực tràng, bao gồm cả bệnh Crohn; Tiền sử gia đình bị ung thư hoặc polyp dạng tuyến đại-trực tràng.
Theo ghi nhận tại bệnh viện K, hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn với các nhu cầu điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu. Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều. Nhu cầu phát hiện chẩn đoán ung thư sớm đang rất lớn giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí điều trị đáng kể.
Để phòng ngừa ung thư đại tràng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Các chuyên gia khuyến cáo, những người có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.