Đi ngoài ra máu có phải ung thư?

Hồng Hải

(Dân trí) - Tôi 54 tuổi, thời gian gần đây tôi phát hiện có máu khi đi đại tiện nhưng vì dịch nên ngại chưa đi khám. Tôi cũng thấy có hiện tượng táo bón, không biết dấu hiệu này có đáng ngại không?

Bác sĩ Vũ Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người chủ quan với dấu hiệu đi ngoài ra máu, chỉ đơn giản nghĩ do táo bón, trĩ... nhưng ít người nghĩ đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Triệu chứng đi ngoài ra máu gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, cảnh báo bệnh lý vùng hậu môn như trĩ hoặc táo bón. Những bệnh này cũng gây hiện tượng đi ngoài ra máu do tổn thương niêm mạc hậu môn.

Đi ngoài ra máu có phải ung thư? - 1

"Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh lý ung thư vùng hậu môn - trực tràng. Vì vậy, khi có dấu hiệu đi ngoài ra máu không nên trì hoãn mà cần đi kiểm tra sớm để được chẩn đoán chính xác, điều trị sớm. Trong trường hợp là ung thư đại trực tràng, việc phát hiện sớm cũng mang lại hiệu quả điều trị cao, tăng chất lượng sống cho người bệnh", BS Vinh cho biết.

Vì thế, trường hợp của bác có thể sắp xếp thời gian, tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương để đi khám sớm.

Theo khuyến cáo của hiệp hội nội soi Nhật Bản, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.

Đa số các polyp đều lành tính, tuy nhiên, một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh nếu polyp có kích thước lớn hoặc ác tính.

Polyp đại tràng là những tổn thương dạng khối trong đại tràng. Đa số các polyp đều lành tính, tuy nhiên, một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh nếu polyp có kích thước lớn hoặc ác tính.

Khi bị polyp đại tràng ở giai đoạn đầu, hầu hết người bệnh không có triệu chứng. Chỉ đến khi polyp lớn và dài mới có các dấu hiệu như: Đại tiện thấy máu là triệu chứng thường thấy của polyp đại tràng; Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn 1 tuần mà không tìm ra nguyên nhân.

Có nhiều loại polyp đại tràng khác nhau, không phải trường hợp nào cũng tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, khi nội soi đại tràng phát hiện có polyp bác sĩ thường cắt bỏ để giảm nguy cơ tiến triển ung thư.

Những người có polyp đại tràng cũng được khuyến cáo cần thực hiện nội soi theo dõi định kỳ, đặc biệt là người có polyp tuyến dù đã cắt bỏ.

Những người sàng lọc thường xuyên ung thư đại trực tràng ít có khả năng tử vong vì loại ung thư này. Vì vậy, làm theo hướng dẫn sàng lọc là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư đại tràng.

Ngoài ra, mỗi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Theo đó, hãy ăn ít chất béo và nhiều trái cây, rau và chất xơ; Duy trì trọng lượng cơ thể bình thường; Tránh hút thuốc và sử dụng rượu quá mức.

Các bác sĩ khuyến cáo những người từ tuổi 50 nên sàng lọc polyp và ung thư. Tuy nhiên, những người có một người thân cấp độ một (cha mẹ ruột, anh trai, em gái hoặc con ruột) bị ung thư đại trực tràng hoặc một polyp tuyến ở tuổi trẻ (trước 60 tuổi) hoặc hai người thân cấp độ một được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi, nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng sớm hơn, cụ thể là ở tuổi 40 hoặc trẻ hơn 10 tuổi so với tuổi chẩn đoán sớm nhất trong gia đình họ.