9 dấu hiệu báo động của sức khỏe

(Dân trí) - Nứt nẻ ở mép, tóc mỏng, ngứa bàn chân, nổi ban không rõ nguyên nhân hay xuất hiện quầng thâm dưới mắt? Thoạt nghe đây có vẻ là những triệu chứng hiền lành vô hại, nhưng trên thực tế chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật hoặc các vấn đề khác về sức khỏe.

Bạn cần cảnh giác với 9 dấu hiệu dưới đây vì đó là những triệu chứng báo động sức khỏe có vấn đề.

1. Tăng cân quanh vòng eo

Bạn đi mua quần mới và nhận ra rằng vòng eo của mình đang phình ra?

Bạn sẽ bị đặt trước nguy cơ bệnh tiểu đường và một tình trạng gọi là hội chứng chuyển hóa nếu vòng hai lớn hơn 80cm nếu bạn là nữ hoặc 94cm nếu bạn là nam giới.

Nguy cơ sẽ cao hơn rõ rệt nếu vòng hai trên 88cm nếu bạn là nữ hoặc trên 102cm nếu bạn là nam.

Với tỷ lệ béo phì cao và kèm theo đó là vòng eo lớn, thì bệnh tiểu đường - căn bệnh gây ra nhiều vấn đề trước mắt như mệt mỏi, kém tập trung, đi tiểu nhiều và uống nước nhiều, cũng như ảnh hưởng đến thị lực, tim mạch và tuổi thọ về lâu dài - đang trở nên phổ biến.

Phòng ngừa bệnh chính là chìa khóa và việc giữ vòng eo con kiến sẽ giúp đạt được điều này. Tập luyện thường xuyên và chế độ ăn tốt có thể giúp kiểm soát bệnh, nhưng cần hỏi bác sĩ về việc xét nghiệm bệnh tiểu đường týp 2.

9 dấu hiệu báo động của sức khỏe - 1

2. Những chấm màu vàng quanh mắt hoặc khuỷu tay

Tình trạng này được gọi là ban vàng mi mắt và là do mỡ lắng động dưới da. Đây có thể là dấu hiệu của nồng độ cholesterol tăng cao.

Một xét nghiệm máu, thường thực hiện vào lúc đói, sẽ cho biết sự thực có phải vậy không. Tuy theo nguyên nhân, các biện pháp can thiệp thông qua ăn uống và tập luyện có thể giúp giảm tình trạng bệnh.

Chúng ta cần quan tâm đến cholesterol vì nó có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều vấn đề ở tim và não như đau tim và đột quị.

3. Quầng thâm dưới mắt

Mặt dù ngủ không đủ có thể góp phần khiến mắt thâm quầng, nhưng nguyên nhân gây quầng thâm ở mắt cũng có thể là do dị ứng, thường kèm theo ngứa mắt hoặc chảy nước mũi.

Đi tìm tác nhận gây dị ứng, ví dụ như mạt bụi nhà, và hạn chế tiếp xúc có thể giúp giảm triệu chứng. Nếu hay bị ngứa, thuốc chống dị ứng có thể là giải pháp.

Nghiên cứu đã cho thấy các sản phẩm chứa lợi khuẩn, như men tiêu hóa, có thể giúp giảm một số bệnh dị ứng.

4. Ngứa bàn chân

Bạn thường xuyên đi tập gym hoặc đi bơi? Môi trường ẩm ướt có thể làm tăng nhiễm nấm, khiến cho bàn chân bị ngứa.

Bạn có thể thấy những đám dát bong vảy trắng hoặc ướt giữa các ngón chân hoặc dưới bàn chân.

Kem bôi chống nấm không cần đơn bác sĩ có thể giúp điều trị tình trạng này. Vệ sinh tốt và thường xuyên giữ chân khô thoáng sẽ giúp liền tổn thương và ngăn ngừa tái phát.

9 dấu hiệu báo động của sức khỏe - 2

5. Nứt nẻ ở mép

Đây thường là cách để cơ thể báo rằng bạn cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B và sắt như rau lá xanh, thịt nạc và trứng.

Khi bị khô và nứt nẻ, góc mép có thể bị nhiễm trùng. Thuốc bôi tại chỗ và dưỡng ẩm sẽ giúp chữa khỏi tổn thương.

6. Nổi ban ngứa nhiều

Đặc biệt là nếu tình trạng bệnh không đỡ cho dù có sử dụng các loại kem bôi thông thường, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy mỡ.

Đây là tình trạng mẫn cảm với gluten, trong đó cơ thể phản ứng với protein gluten trong thực phẩm.

Điều này ảnh hưởng đến niêm mạc ruột, khiến ruột khó hấp thu chất dinh dưỡng. Do đó da có thể bị ảnh hưởng.

Về lâu dài và tùy theo mức độ nặng, bệnh có thể gây tổn thương mạn tính cho ruột.

Điều quan trọng cần biết là nếu bị bệnh này thì việc kiêng gluten một cách nghiêm ngặt là cách điều trị chính và sẽ giúp bệnh thuyên giảm.

Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện bệnh tiêu chảy mỡ và nếu kết quả dương tính, bạn có thể phải mua thực phẩm không gluten theo đơn.

7. Tóc mỏng

Lượng sắt trong cơ thể có thể ở mức thấp hoặc bình thường thấp. Đây là vấn đề nhất là đối với phụ nữ, những người có vấn đề về sức khỏe và kiêng không ăn những thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Hơn nữa, phụ nữ còn bị mất sắt hàng tháng và do đó có thể bị thiếu máu.

Có bệnh ở tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến tóc.

Xét nghiệm máu có thể cho biết liệu nguyên nhân có phải là do những vẫn đề này hay không. Tăng cường các thực phẩm giàu sắt hoặc bổ sung sắt nếu bị thiếu sắt là những giải pháp.

8. Móng chân móng tay dễ gãy

Điều này thường xảy ra nếu móng chân móng tay phải tiếp xúc quá nhiều với môi trường ẩm ướt hoặc sử dụng sơn móng tay thường xuyên.

Dưỡng ẩm móng thường xuyên và bổ sung biotin (vitamin B7) có thể hiệu quả.

Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của bệnh nấm, vảy nến, bệnh tuyến giáp hoặc viêm khớp.

Nếu là do những tình trạng này, thì thường có thêm những triệu chứng khác như nổi ban, mệt mỏi, đau khớp. Lúc đó bạn cần đi khám bác sĩ.

9. Táo bón

Đây là cách để cơ thể báo cho bạn biết rằng cần tăng chất xơ và nước trong chế độ ăn.

Phần lớn mọi người không đạt được khẩu phần chất xơ khuyến nghị trong chế độ ăn hàng ngày. Loại chất xơ cũng rất quan trọng trong phòng ngừa táo bón, đầy hơi và chướng bụng.

Chúng ta cần cả chất xơ không hòa tan và chất xơ hòa tan để ngăn ngừa táo bón và giúp giảm lượng cholesterol.

Chất xơ hòa tan dễ gây đầy hơi và chướng bụng, tuy nhiên việc tăng dần khẩu phần cả hai loại chất xơ sẽ ngăn ngừa tình trạng này.

Cẩm Tú

Theo DM