1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

89.000 người chết trên thế giới do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm Melioidosis

(Dân trí) - Bệnh Melioidosis hay còn gọi là bệnh Whitmore là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Melioidosis có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, tiến triển nhanh và có nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh kịp thời.

Vi khuẩn gây bệnh là chất độc sinh học cấp 1

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (nguồn:http://diendanykhoa.com)
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (nguồn:http://diendanykhoa.com)

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Melioidosis rất đa dạng, từ những thể thường gặp như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, abscess cho đến những dạng hiếm gặp như viêm tủy xương, viêm tuyến mang tai… Điều này gây khó khăn trong chẩn đoán, phát bệnh sớm.

Ngoài ra các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh để phát hiện vi khuẩn gây bệnh cũng chưa thực sự được quan tâm và nhiều bác sĩ, cán bộ xét nghiệm vi sinh lâm sàng tại các bệnh viện tuyến tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm với các ca nhiễm bệnh.

Bệnh sinh miễn dịch của melioidosis. B. pseudomallei cũng có thể gây cảm ứng, sự hình thành các tế bào phì đại đa nhân (nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)
Bệnh sinh miễn dịch của melioidosis. B. pseudomallei cũng có thể gây cảm ứng, sự hình thành các tế bào phì đại đa nhân (nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Tại Hội thảo Khoa học toàn quốc lần thứ II bệnh Melioidosis do trường Đại học Y Dược Huế phối hợp với Viện Vi sinh và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 7/10, BS. Direk Limmathurotsakul, Phòng nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol-Oxford, Đại học Mahidol (Thái Lan), cho biết: tổng số người chết vì bệnh Melioidosis mỗi năm chưa được biết. Đó là câu hỏi chính mà các nhà hoạch định chính sách như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế mỗi nước muốn biết câu trả lời.

Bệnh Melioidosis gây ra từ vi sinh vật có trong đất và nước tại khu vực có bệnh lưu hành. Bệnh có tiềm ẩn bệnh động vật và lây lan từ người sang người nhưng những trường hợp này hiếm khi được báo cáo. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được phân loại là chất độc sinh học cấp 1 bởi Chương trình chất độc sinh học liên bang Hoa Kỳ cùng với Bacillus anthracis, vi rút Ebola và các vi khuẩn khác.

Biểu hiện thông thường bao gồm sốt, nhiễm trùng và sốc nhiễm khuẩn có hoặc không có viêm phổi và áp xe tại bất cứ nội tạng nào; có thể cấp tính, bán cấp tĩnh và mãn tính; có thể tương tự các bệnh khác như bệnh Lao. Bệnh khó điều trị, kháng sinh phổ biến như penicillin và gentamicin không có hiệu quả. Tỷ lệ tử vong bệnh cao, những ca tử vong chủ yếu là tử vong trong vòng 48 giờ. Tỷ lệ tử vong ca bệnh là 60% tại Campuchia, 40% tại Thái Lan và 14% Bắc Úc.

Các biểu hiện lâm sàng sau khi nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei (nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)
Các biểu hiện lâm sàng sau khi nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei (nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Theo dự báo phân bố toàn cầu vi khuẩn B. pseudomallei và gánh nặng của bệnh Melioidosis (Nature Microbiology, 2016), trên phương pháp tổng hợp 22.338 hồ sơ bệnh Melioidosis trên người và động vật được định vị theo địa lý và sự tồn tại của vi khuẩn B. pseudomallei trong môi trường từ các báo cáo từ năm 1910 đến 2014. Ước tính có 165.000 ca bệnh Melioidosis ở người mỗi năm trên toàn thế giới. Ước tính tổng số trên thế giới có 89.000 trường hợp tử vong.

Bản đồ phân bố bệnh Melioidosis với sự phân bố bệnh cao ở Đông Nam Á và phía Bắc Úc (nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)
Bản đồ phân bố bệnh Melioidosis với sự phân bố bệnh cao ở Đông Nam Á và phía Bắc Úc (nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Ca bệnh Melioidosis đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1925

Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng bệnh lưu hành, tuy nhiên đến nay thông tin về tình hình dịch tễ cũng như những đặc điểm của căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế. Trên cả nước chưa có một nghiên cứu dịch tễ để đánh giá một cách tương đối chính xác mức độ phổ biến của bệnh Melioidosis tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis đã được phát hiện ở miền Trung Việt Nam, chủ yếu là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.

Viêm nhiễm da trong bệnh melioidosis (nguồn: http://diendanykhoa.com)
Viêm nhiễm da trong bệnh melioidosis (nguồn: http://diendanykhoa.com)

Qua báo cáo của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế, ca bệnh đầu tiên phát hiện năm 1911 tại Rangoon, Burma, Myanmar. Bệnh lưu hành tại Đông Nam Á, Bắc Úc, Nam Á và Trung Quốc. Tại Việt Nam ca đầu tiên (TP HCM) năm 1925. Từ năm 1940-1970 nhiều báo cáo trên lính Pháp, Mỹ tham chiến tại Việt Nam có bệnh này. Năm 1997-2005 phát hiện 75 ca ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Năm 199 tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM có 9 ca bệnh trong 7 năm. Từ tháng 5/2015 có hơn 100 ca được phát hiện ở 18 bệnh viện tỉnh.

Bệnh này thường gặp vào mùa mưa. Đường lây truyền do tiếp xúc với bùn đất, nước hoặc do hít phải vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày. Biểu hiện lâm sàng bệnh đa dạng, tỷ lệ tử vong từ 10-30%, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết nặng có sốc tử vong lên đến 85-90%.

Đại Dương