85% trẻ sơ sinh vàng da, làm sao phân biệt sinh lý hay bệnh lý?
(Dân trí) - Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, vàng da sơ sinh là một trong những bệnh phổ biến. 85% trẻ sơ sinh đủ tháng và hầu hết trẻ sinh non nhìn thấy vàng da trên lâm sàng. Trong số này khoảng 20% cần chiếu đèn điều trị, phòng nguy cơ biến chứng vàng da nhân nguy hiểm ảnh hưởng đến não, thậm chí tính mạng trẻ.
Sáng 20/8, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong trẻ em tập trung 1 – 5 tuổi cao nhất. Đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao nhất, chiếm 50 – 70% tổng số trẻ tử vong dưới độ tuổi này.
Với trẻ sơ sinh, nhiều trường hợp có thể dự phòng, phát hiện điều trị kịp thời sẽ giảm tỉ lệ tử vong, giảm dị tật, bệnh lý nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống đứa trẻ sau này.
Như với vàng da sơ sinh, đây là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trong đó, khoảng 85% trẻ sơ sinh đủ tháng và hầu hết trẻ sinh non nhìn thấy vàng da trên lâm sàng. Khoảng 6,7% vàng da trong 24 giờ đầu, 20% trong số này cần chiếu đèn điều trị vàng da.
"Vàng da sơ sinh là căn bệnh không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không được phát hiện sớm, không điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng rất nặng nề (vàng da nhân não) cho trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong", GS Tiến nói.
Trẻ bị vàng da là do các hồng cầu trong máu bị vỡ quá nhanh chuyển hoá thành Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng. Nếu là sinh lý, thường chỉ từ 7 - 10 ngày là hết vì bilirubin ở mức độ thấp, không đủ khả năng thấm vào não. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn.
Vàng da bệnh lý tức là bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) có thể gây tử vong, hoặc nếu cứu được thì não trẻ cũng đã bị tổn thương không hồi phục: không nói, không nhìn, không nghe được; bị liệt tay chân; có những rối loạn về hành vi; không phát triển về trí tuệ.... Di chứng tổn thương não do vàng da đến nay vẫn được đánh giá là di chứng nặng nề nhất những trường hợp bị di chứng não ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên trên thực tế, để phân biệt giữa vàng da sinh lý, bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất mong manh, khó phát hiện, nếu chúng ta không nhận định, chăm sóc đứa trẻ kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm.
Có những trẻ sơ sinh bụ bẫm, chỉ sau vài ngày không phát hiện vàng da, bilirubin máu tăng cao dẫn đến hậu quả vàng da nhân.
Vì thế, tại lễ khởi động và kí kết giữa Bộ Y tế và tập đoàn Reckitt Benckiser Việt Nam với Dự án Phòng chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, Bộ Y tế hi vọng dự án sẽ giúp các bà mẹ/người chăm sóc trẻ phát hiện bệnh sớm, đồng thời nâng cao kiến thức và kĩ năng cho cán bộ y tế về việc phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, từ đó giúp giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
"Phát hiện không khó, điều trị không khó khăn, trang thiết bị không quá tốn kém. Phát hiện, điều trị sớm, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ sau này. Tôi hi vọng sau khi triển khai tại 10 tỉnh, dự án sẽ tiếp tục lan tỏa khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, vì đây là nhu cầu chăm sóc thiết yếu với trẻ sơ sinh", Thứ trưởng Tiến nói.
Được biết, quy mô dự án giai đoạn đầu hơn 10 tỷ đồng, tập đoàn RB sẽ tài trợ 100 đèn chiếu vàng da để điều trị bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh tại 96 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của 10 tỉnh/thành phố từ Bắc Trung Nam; hỗ trợ xây dựng, phát hành tài liệu đào tạo về phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị vàng da trẻ sơ sinh dành cho đội ngũ cán bộ y tế, xây dựng và phân phát tài liệu truyền thông nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh lý cho các bậc cha mẹ.
Mỗi máy chiếu vàng da có tuổi thọ ít nhất 05 năm, tương đương với thời gian hoạt động chiếu sáng liên tục tối thiểu là 44.000 giờ. Theo ước tính của các chuyên gia y tế, với 100 máy chiếu sẽ giúp chữa trị sớm bệnh vàng da cho ít nhất 150.000 trẻ sơ sinh trong vòng 5 năm.
Hồng Hải