8 sinh viên nguy kịch, tử vong sau cuộc nhậu: Mua nước suối lại thành rượu?
(Dân trí) - Theo quản lý nhà hàng, bình rượu 5 lít mà 8 sinh viên cùng nhau uống trong cuộc nhậu là do một người khác đi mua nước suối về kinh doanh. Nhưng khi tiệm tạp hóa giao lại biến thành rượu.
Phòng Y tế TP Thủ Đức (TPHCM) vừa có báo cáo nhanh về vụ nghi ngờ ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc, xảy ra ở phường Phước Long B ngày 5/8, khiến 2 người tử vong, 6 người phải nhập viện cấp cứu.
8 sinh viên nhậu từ khuya đến sáng
Theo đó, qua phối hợp điều tra với Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường TP Thủ Đức và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết, nơi xảy ra sự việc là một nhà hàng buffet nằm trên đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B) do ông N.D.B. là đại diện pháp luật.
Theo lời khai của ông B., khoảng 23h30 khuya ngày 3/8 khi đã bán hàng xong, 6 nhân viên của nhà hàng tổ chức ăn uống ngoài sân, sau đó có mời thêm 2 bạn nữ khác (đều là sinh viên) đến.
Tất cả 8 người cùng ăn và uống chung hết bình 5 lít có dán chữ "RƯỢU" đến 4 giờ sáng ngày 4/8 thì xong, sau đó dọn dẹp và ai về nhà đó.
Đến chiều 5/8, ông B. nhận được tin báo nhân viên quán tên N.T.T. có biểu hiện mệt mỏi, tím tái, được mọi người gọi xe đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại nhà trọ.
Ngoài ra, người quản lý nhà hàng cũng thấy những nhân viên còn lại tham gia cuộc nhậu hôm trước có biểu hiện lơ mơ, nên đã yêu cầu đưa đến Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) để khám. Đến 15h30 cùng ngày thì nhân viên tên N.V.C. tử vong ở bệnh viện. Các bệnh nhân khác được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu và điều trị.
Riêng 2 trường hợp N.V.T. và L.T.N.H. do người thân thấy mệt nên đã tự đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức chiều 5/8 với các triệu chứng ói, mệt mỏi, đau đầu nhiều, môi tím tái. Kết quả xét nghiệm 2 người có nồng độ methanol trong máu cao và hiện vẫn đang điều trị tích cực.
Mua nước suối nhưng lại thành... rượu
Về nguồn gốc thực phẩm trong cuộc nhậu, Phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết, các bệnh nhân tự mua tại quán khác mang về, không phải do nhà hàng cung cấp, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua thực phẩm. Chỉ có bình 5 lít ghi nhãn chữ "RƯỢU" lấy từ trong kho bảo quản thực phẩm của nhà hàng.
Về nguồn gốc bình 5 lít dán nhãn "RƯỢU", ông B. cho biết, bình này xuất phát từ việc nhân viên cũ của quán tên Tr. (20 tuổi) đi mua nước suối cho nhà hàng. Sau đó, nơi bán đã giao 5 bình có nhãn hiệu một hãng nước suối đến. Tuy nhiên, khi của hàng mở ra để kinh doanh thì phát hiện một bình nghi ngờ là rượu, nên đã dán nhãn chữ "RƯỢU" và cất vào trong kho từ khoảng tháng 5/2022.
Đến ngày 3/8, nhân viên nhà hàng có xin quản lý cho sử dụng bình trên để uống. Những người tham gia bữa nhậu còn pha thêm nước ngọt vào bình 5 lít để sử dụng.
Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, nhà hàng chưa cung cấp được thông tin hóa đơn, chứng từ của 5 bình nước suối đã mua tại tiệm tạp hóa vào tháng 5/2022. Ngoài ra, ông B. khai chỉ có nhân viên Tr. biết địa chỉ nơi mua 5 bình nước, nhưng do người này hiện đã nghỉ việc, chưa liên hệ được nên Đoàn kiểm tra chưa xác minh được địa chỉ bán các bình nước trên.
Sau khi sự cố xảy ra, nhà hàng đã tự đóng cửa và ngừng hoạt động từ ngày 6/8. Vì không còn mẫu thực phẩm thừa và các loại nước uống được sử dụng trong bữa ăn, cơ quan chức năng không tiến hành lấy mẫu được.
Đáng chú ý, Phòng Y tế TP Thủ Đức xác định, nhà hàng trên chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hiện tại, Phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, Phòng Y tế TP Thủ Đức, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, UBND phường Phước Long B đang tiếp tục tiến hành điều tra thực tế để làm rõ vụ việc.
Thông tin với phóng viên Dân trí, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đến sáng 7/8 trong số nạn nhân của vụ nghi ngộ độc rượu xảy ra ở phường Phước Long B (TP Thủ Đức) đang điều trị tại đây, chỉ có trường hợp của chị T.T.G.M. còn nặng. Các trường hợp còn lại hiện cải thiện tốt.
Trước đó vào chiều tối 5/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tục tiếp nhận 4 trường hợp chuyển tuyến, đều 20 tuổi với chẩn đoán ngộ độc Methanol.
Cụ thể, bệnh nhân L.Q.K. nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt. Kết quả kiểm tra nồng độ Methanol trong máu 246.46 mg/dL. Bệnh nhân được lọc máu, điều trị nội khoa tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU).
Bệnh nhân T.T.G.M. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không trả lời, không tỉnh táo, phải thở oxy canula. Người nhà cho biết trước đó bệnh nhân nôn ói nhiều, chóng mặt, đau bụng, sau đó co giật. Hiện tình trạng bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, điều trị tại khoa ICU.
2 bệnh nhân còn lại là V.V.Đ. (nam) và N.T.T.V (nữ) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, hiện được theo dõi và điều trị tại khoa Nội tiết thận.