8 chỗ không nên để điện thoại di động
(Dân trí) - Điện thoại là vật dụng khá phổ biến trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên nên để điện thoại di động ở đâu để đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe thì không phải ai cũng biết. Ngay dưới đây là 8 thói quen bạn nên thay đổi khi để điện thoại di động:
Trong túi quần
Để điện thoại trong túi quần nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng điều này có thể lợi bất cập hại. Theo các chuyên gia y tế, túi quần thực sự là nơi tệ nhất để cất “chú dế” của bạn. Khi điện thoại được bật, kết nối với mạng không dây và được đặt trong túi túi quần, bức xạ cao gấp 2 đến 7 lần so với khi nó được đặt trong ví hoặc bao da. Có mối tương quan giữa bức xạ từ điện thoại di động và sự phát triển khối u.
Ngoài ra, bức xạ có thể làm thay đổi cấu trúc ADN và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới cũng phát hiện ra rằng bức xạ điện thoại di động là một tác nhân gây ung thư cho con người. Đơn giản là việc ngồi lên điện thoại cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như đau thần kinh tọa hoặc các vấn đề khác về lưng.
Trong áo ngực
Một số nghiên cứu cho thấy rằng để điện thoại trong áo ngực có thể liên quan đến ung thư vú do bức xạ và rung từ điện thoại. Chưa có đủ bằng chứng để khẳng định mối quan hệ này. Tuy nhiên, để điện thoại trong áo ngực, đặc biệt là áo ngực thể thao, là một “tối kiến” do vi khuẩn gây kích ứng da có thể trú ngụ.
Trên giường hoặc dưới gối
Ngủ cùng điện thoại di động là một ý tưởng tồi vì nhiều lý do. Đầu tiên, để điện thoại dưới gối có thể tích tụ nhiệt và gây nguy cơ cháy nổ, đặc biệt nếu điện thoại đang sạc hoặc có hỏng hóc. Người ta cũng biết rằng ánh sáng đèn LED từ màn hình điện thoại có thể phá vỡ quá trình sản xuất melatonin và nhịp sinh học, làm tổn hại đến chất lượng giấc ngủ. Và, tất nhiên, cũng cần nghĩ đến bức xạ.
Lượng bức xạ vô tuyến phát ra từ điện thoại di động là tương đương với lượng phát ra từ lò vi sóng. Cũng có mối lo ngại về độ an toàn của việc sử dụng điện thoại di động liên quan đến ung thư và khối u não, theo Hội Ung thư Mỹ.
Cắm sạc
Cắm sạc khi pin đã đầy khiến pin dễ bị hỏng. Không phải điện thoại bị quá tải điện năng, mà là do sự tích tụ nhiệt, từ việc đặc đồ lên trên điện thoại hoặc để dưới gối, làm cho điện thoại nóng hơn và làm hỏng pin – chủ yếu nếu bạn sử dụng loại dây sạc không ổn định.
Để sát mặt
Giữ điện thoại sát mặt có nghĩa là vi khuẩn sẽ đến và đi từ điện thoại, làm cho da và điện thoại của bạn bẩn hơn. Sự kết hợp này dẫn đến nhiều mụn trứng cá, kích ứng da và thậm chí là nếp nhăn. Thay vào đó, hãy thử sử dụng tai nghe để giữ bề mặt điện thoại cách xa mặt.
Trong cốp xe
Nhiệt độ cực đoan là điều kiện tệ nhất cho “chú dế” của bạn. Vì vậy, việc để thiết bị này trong cốp xe trong những tháng cực kỳ nóng hoặc lạnh trong năm có thể dẫn đến các vấn đề. Nhiệt độ quá nóng có thể gây ra mọi thứ từ mất dữ liệu hoặc hỏng hóc đến rò rỉ pin. Thời tiết lạnh cũng gây nhiều vấn đề cho điện thoại. Ở nhiệt độ lạnh, nhiều điện thoại thông minh bị tắt, gặp sự cố hiển thị, rút ngắn thời lượng pin và trong một số ít trường hợp có thể bị vỡ màn hình.
Trên khăn tắm biển
Nắng gắt và nhiệt độ nóng ở bãi biển là một công thức cho thảm họa điện thoại. Hãy bảo vệ thiết bị của bạn sau khi hoàn thành việc chụp ảnh. Điều kiện thời tiết năng nóng có thể khiến điện thoại quá nóng.
Bất cứ nơi nào trong nhà vệ sinh
Mặc dù điện thoại di động có thể được xem như một “tờ báo” kiểu mới, nhưng sẽ không phải là ý hay nếu bạn muốn mang nó vào nhà vệ sinh. Ngay cả khi bạn để thiết bị trên kệ hoặc cách xa toilet, bất cứ thứ gì trong phạm vi 1m sau khi xả nước đều có thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus trong không khí, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Applied and Environmental Microbiology. Các tác giả nghiên cứu cho biết, việc phát hiện vi khuẩn và vi rút rơi xuống các bề mặt trong nhà vệ sinh sau khi xả nước cho thấy chúng vẫn tồn tại trong không khí đủ lâu để lắng xuống các bề mặt ở đây, bao gồm cả điện thoại của bạn.
Cẩm Tú
Theo RD