1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

70% giám định viên chưa qua đào tạo

(Dân trí) - Theo báo cáo của Viện Pháp y quốc gia, thực trạng chuyên môn của cán bộ Pháp Y đang đứng ở mức báo động.

“Ở địa phương còn đáng lo ngại hơn khi giám định viên cho dù chuyên trách hay kiêm nhiệm thì tỷ lệ tuổi dưới 35 chỉ đạt 6%. Số giám định viên tập trung ở một số thành phố thị xã lớn, các tỉnh vùng sâu vùng xa thì chỉ có đội ngũ cán bộ. Gần 60% giám định viên tuổi trên 45 trong một vài năm tới sẽ nghỉ hưu nhưng chưa có người thay thế”, ông Vũ Dương- Viện trưởng viện Pháp y Quốc gia cho biết.

 

Hiện chỉ có khoảng 20 % cán bộ Pháp Y đang làm việc được đào tạo với thời gian 3 tháng tại Viện, 5 - 10 ngày tại địa phương trong điều kiện phương tiện học tập và làm việc vô cùng thiếu thốn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giám định của Giám định viên. Đã có khá nhiều kết luận giám định sai sai mà nguyên nhân chính là do trình độ của giám định viên (GĐV).

 

Không chỉ yếu về chất lượng, đội ngũ GĐVchuyên trách cũng chỉ có 13/64 tỉnh thành. Như vậy, nếu Pháp lệnh giám định tư pháp theo qui định là 3 GĐV/Trung tâm Pháp y thì  cả nước sẽ thiếu 180 Giám định viên chuyên trách thì mới triển khai được trên toàn quốc. Trong khi đó, cơ sở vật chất trang thiết bị từ tuyến TƯ và tuyến tỉnh chưa đáp ứng được chức năng nhiệm vụ của ngành hiện tại và tương lai.

 

Theo ông Dương, để ngành Pháp Y có thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu giám định ngày càng đa dạng và phức tạp trong công tác nghiệp vụ, Bộ Y tế cần có phương án quy hoạch và phát triển đồng đều cán bộ nguồn song song với công tác đầu tư trang thiết bị làm việc cho Giám định viên trên cả nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng lại chế độ hành chính và mức thu nhập tương xứng thay cho mức bồi dưỡng độc hại không thay đổi từ 10 năm nay đối với ngành Pháp y để GĐV yên tâm công tác cũng như đầu tư thời gian cho công việc.

 

Thanh Trầm