1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

70% ca ung thư là do thuốc lá, thực phẩm bẩn

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, thức ăn, ô nhiễm thực phẩm là tác nhân gây nên 40% ca ung thư, thuốc lá gây nên 30% ca bệnh…

“Sát thủ” khói thuốc, thực phẩm bẩn

Tại buổi tọa đàm “Ung thư không phải là dấu chấm hết” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết, khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u.

“Tất cả những gì tác động vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (40%), đứng thứ 2 là thuốc lá (30%)”, GS Đức nói.

Như vậy cứ 10 người ung thư thì có 4 người bị do ăn phải thực phẩm không an toàn và 3 ca là do tác nhân thuốc lá gây nên. Tuy nhiên, khói thuốc độc hại như thế nào có thể được vạch mặt chỉ tên rất rõ. Còn trong ăn uống, có quá nhiều nguy cơ, thiên hình vạn trạng không kể hết được. Từ rau quả, thực phẩm nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản đến cách chế biến thực phẩm cũng có thể là tác nhân gây ung thư. Ví như thói quen ăn nhiều đồ nướng, thức ăn rán cháy, dầu mỡ dùng rán đi rán lại nhiều lần; hay như một số thực phẩm người dân ăn do tập quán, do không nghĩ đến tác hại của nó như ăn nấm mốc, gạo mốc, các loại hạt bị mốc, lên mầm... có thể sinh ra các chất gây ung thư.


GS.TS Nguyễn Bá Đức tại buổi tạo đàm Ung thư không phải là dấu chấm hết. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Bá Đức tại buổi tạo đàm "Ung thư không phải là dấu chấm hết". Ảnh: H.Hải

Hoàn toàn chữa khỏi được ung thư

Theo GS Đức, nhiều người bệnh khi biết mình ung thư thì rơi vào suy sụp, chán nản. Nhưng đúng như tên cuộc tọa đàm “Ung thư không phải là dấu chấm hết”, 50% số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Câu chuyện của Hoàng Thị Diệu Thuần (28 tuổi, Nghệ An) chia sẻ tại buổi tọa đàm là động lực rất lớn cho những người bệnh đang phải chiến đấu với căn bệnh này. Thuần đã chiến đấu với căn bệnh ung thư máu hơn 10 năm nay. Trải qua gần như tất cả các phương pháp điều trị. Cuối cùng, Thuần đã được ghép tủy vào tháng 9/2012 và đến nay, em đã có một cuộc sống khỏe mạnh. Từ chỗ cân nặng chỉ được 34kg, nay em đã lên 40kg. Không chỉ tự lo cho mình những sinh hoạt hàng ngày, cô gái bé nhỏ này còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, dành thời gian viết sách, kịch bản… Đến nay, đi tái khám tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các chỉ số sức khỏe của Thuần vẫn hoàn toàn ổn định.

GS Đức cho biết, hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có nhiều phương pháp chữa bệnh ung thư có hiệu quả, cập nhật nhiều kỹ thuật tiên tiến đem lại cơ hội chữa lành cho nhiều bệnh nhân.

Như phẫu thuật là một biện pháp quan trọng để cắt bỏ tế bào ung thư. Trước đây phẫu thuật chỉ mổ mở nay có thể mổ nội soi vẫn giúp lấy hết được tế bào ung thư, vét sạch hạch vùng lân cận mà không gây tổn thương nhiều cho người bệnh. Tiến bộ hơn, giờ y học đã có thể ghép tạng cứu bệnh nhân ung thư.

Hay trong xạ trị, hiện cũng có rất nhiều tiến bộ. Trước kia xạ trị ảnh hưởng đến cả vùng tế bào lành, thì nay với máy gia tốc hiện đại, điều biến liều xạ trị chính xác vào khối u, không gây ảnh hưởng đến vùng tế bào lành. Còn trong y học hạt nhân đã đưa cả hạt vi cầu phóng xạ vào tận khối u là một kỹ thuật vô cùng mới, hiện đại .

Trong truyền hóa chất cũng vậy cập nhật rất nhiều loại thuốc mới là các loại thuốc diệt tế bào ung thư trúng đích. “Trước đây truyền hóa chất là gây ảnh hưởng toàn thân. Nhưng nay hóa chất mới đặc hiệu với tế bào ung thư, chỉ khi gặp tế bào ung thư mới tiêu diệt và hạn chế ảnh hưởng tế bào lành. Chưa kể rất nhiều phương pháp sinh học khác như tăng sinh mạch máu, thuốc điều trị gen, phối hợp kháng thể để đưa thêm thuốc hóa chất, cộng thêm phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư”, GS Đức nói.

Theo GS Đức, những phương pháp này mở ra cơ hội chữa bệnh mà trước đây chúng ta không thể làm được. Đó là nhờ tiến bộ cả gây mê hồi sức, dinh dưỡng, khoa học chuyên ngành, chẩn đoán hình ảnh, chụp mạch, cả chăm sóc giảm đau cho người bệnh có nhiều tiến bộ. Ngoài ra cũng phải kể đến những loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ giúp người bệnh giảm tác dụng phụ khi điều trị, giảm khó chịu do bệnh gây ra, tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

Một bệnh nhi 13 tuổi ung thư xương đang được điều trị tại BV K tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: H.Hải
Một bệnh nhi 13 tuổi ung thư xương đang được điều trị tại BV K tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: H.Hải

Tuy nhiên, để điều trị bệnh nói chung cũng như ung thư có hiệu quả, quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, kịp thời đến bệnh viện khi có những yếu tố bất thường.

Đặc biệt cần ghi nhớ, tác nhân ung thư được xác định 40% do chế độ ăn uống, 30% do thuốc lá vì vậy để phòng bệnh, hãy từ bỏ thuốc lá và lựa chọn thực phẩm an toàn và ăn nhiều rau xanh sạch.

Ngoài ra, phương pháp chế biến thực phẩm cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách như các món rán, nướng; chế biến thực phẩm mốc… cũng tạo thêm cơ hội cho các tác nhân gây ung thư xâm nhập cơ thể.

Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn… cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt…

Cũng tại buổi tọa đàm, rất nhiều quan niệm sai lầm về ung thư do bệnh nhân chia sẻ đã được các chuyên gia chỉ rõ. Những quan niệm sai lầm về ung thư cần được vứt bỏ, như “ung thư động dao kéo vào là chết”, ung thư không được ăn nhiều đạm vì “nuôi” tế bào ung thư phát triển… “Phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ cơ hội chữa khỏi, sống thêm cho người bệnh ung thư rất lớn. Càng phát hiện sớm, nguy cơ tái phát, di căn càng ít đi, người bệnh càng có chất lượng cuộc sống tốt hơn”, GS Đức khẳng định.

Hồng Hải