1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày, thực quản

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, bệnh dạ dày, thực quản trở thành căn bệnh thời đại, với số lượng mắc lớn. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ biến chứng hẹp thực quản, ung thư thực quản...

Tại hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản và các bệnh tiêu hóa khác diễn ra ngày 31/7, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, căn bệnh này ngày càng trở thành bệnh thời đại.

7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày, thực quản - 1

Kết hợp đông - tây y mang lại nhiều hiệu quả trong điều trị bệnh dạ dày, thực quản (Ảnh minh họa: Getty).

Theo thống kê, có khoảng 7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày, trong đó khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản…

Trong khi đó, việc điều trị bệnh lý này cần kiên trì, kết hợp với thay đổi lối sống. "Trong điều trị, các nghiên cứu cho thấy sự phối hợp những ưu điểm của y học hiện đại và y học cổ truyền đã mang lại hiệu quả cao, giảm nguy cơ tái phát trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa, nhất là bệnh dạ dày - thực quản.

Do đó, hội nghị khoa học này là diễn đàn để các thầy thuốc trao đổi, thảo luận và trình bày những kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động khoa học và thực tiễn khám chữa bệnh", PGS Cảnh cho biết.

PGS Cảnh cho biết, thời gian qua, nhiều loại thuốc đông y đã được nghiên cứu, giúp điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản; thuốc diệt vi khuẩn HP trong viêm dạ dày cấp; thuốc chống xuất huyết tiêu hóa; thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích; các thuốc về điều trị viêm gan virus, chống táo bón…

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Tiến, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản rất phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng. Càng ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, hay có thói quen ăn uống không lành mạnh.

"Trong dịch ở dạ dày nhiều axit, nếu trào ngược gây khó chịu vùng thực quản. Các biểu hiện thường gặp như nóng rát vùng xương ức, đắng miệng, ợ chua... Đây là những triệu chứng quen thuộc và gần gũi, cũng rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh tai mũi họng", PGS Tiến nói.

Để chẩn đoán bệnh, nội soi ống mềm rất quan trọng. Đây tuy không phải là chẩn đoán xác định, nhưng là gợi ý, kết hợp triệu chứng lâm sàng để bác sĩ đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị.

Cùng quan điểm này, PGS Cảnh cho rằng, khi có biểu hiện bệnh, người bệnh nên đi khám, thực hiện nội soi dạ dày để được chẩn đoán. Việc điều trị sau đó có thể kết hợp tây y, đông y tùy theo giai đoạn bệnh. 

Tuy nhiên, khi lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc y học cổ truyền để phòng và chữa bệnh cần được thăm khám, chỉ định bởi thầy thuốc đông y đã được cấp giấy phép, có kinh nghiệm hành nghề.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức khẳng định, cùng với đội ngũ các thầy thuốc đông y, từ lâu y học cổ truyền với các bài thuốc, vị thuốc đã có đóng góp quan trọng để phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe người dân.

Việc kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán, điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung và bệnh trào ngược dạ dày, thực quản nói riêng đang rất cần sự chung tay của các nhà khoa học để giảm nguy cơ mắc và biến chứng của bệnh.