7 loại thương tích hay gặp nhất trong những ngày hè

(Dân trí) - Thời tiết nóng hơn và ngày dài hơn sẽ mang lại nhiều cuộc vui hơn ở ngoài trời. Song kì nghỉ hè dài cũng khiến số trường hợp phải nhập viện cấp cứu tăng cao. Các bệnh do nắng nóng, nguy cơ gặp phải những vấn đề như đuối nước và chấn thương thể thao thường tăng lên vào mùa hè. Và đó đều là những tình trạng có thể ngăn ngừa được.

Dưới đây là những lý do phổ biến nhất khiến nhiều người phải vào bệnh viện trong những tháng hè - và cách phòng chống.

7 loại thương tích hay gặp nhất trong những ngày hè - 1

1. Các bệnh liên quan đến nắng nóng

Trong những tháng mùa hè, các bệnh liên quan đến nắng nóng, từ mất nước nhẹ đến say nắng say nóng, là nguyên nhân khiến nhiều người phải đến bác sĩ,.

Theo một nghiên cứu năm 2014 của CDC, mỗi năm có khoảng 1.000 người Mỹ chết vì các bệnh liên quan đến nắng nóng. Nhưng khá nhiều người khác gặp phải những triệu chứng nhẹ hơn của việc ra nắng quá nhiều, bao gồm buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu và lú lẫn.

Các bác sĩ khuyên chúng ta hãy chú ý đến nhiệt độ, giữ đủ nước và tránh ở ngoài trời quá lâu nếu nhiệt độ cao - đặc biệt là vào thời điểm nóng nhất trong ngày – thường là từ 2 đến 4 giờ chiều.

7 loại thương tích hay gặp nhất trong những ngày hè - 2

2. Chấn thương khi bơi và đuối nước

Mùa hè là thời điểm nhiều người tham gia các hoạt động liên quan đến nước,và cũng là lúc những thương tích liên quan đến bơi lội gia tăng. Chấn thương thường liên quan đến việc nhảy xuống nước, trẻ nhỏ không được giám sát, thương tích do chèo thuyền.

Số trường hợp đuối nước cũng tăng vọt vào mùa hè. Mọi người thường nghĩ rằng khi có nhiều người lớn, sẽ có nhiều người trông chừng bọn trẻ. Nhưng thực sự có rất nhiều thứ khiến người lớn bị xao nhãng: Chuyện trò, uống rượu, tiệc tùng, vui chơi và chỉ một vài phút xao nhãng là chuyện đau lòng có thể xảy ra.

Theo CDC, đuối nước là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong do thương tích không cố ý, đứng sau tai nạn giao thông, ở trẻ từ 1-4 tuổi. Trẻ cũng dễ bị đuối nước trong bể bơi hơn bất cứ nơi nào khác.

Trẻ rất dễ bị rơi xuống nước mà không ai nhận ra. Nếu bạn tổ chức liên hoan cạnh bể bơi, hãy phân công người lớn luân phiên theo dõi các hoạt động dưới nước của trẻ.

3. Bỏng và vết đứt

Có rất nhiều trường hợp phải vào viện do các vết bỏng liên quan đến nướng và đốt lửa trại, cũng như các vết đứt do dao nhà bếp.

Trẻ có thể thử sờ vào lửa và người lớn mắc phải sai lầm phổ biến là đổ dầu vào than đang cháy. Nguyên tắc là: Chỉ đổ dầu lên than khi chưa đốt, để cho dầu ngấm vào.

7 loại thương tích hay gặp nhất trong những ngày hè - 3

4. Ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột

Các vấn đề về đường tiêu hoá thường dẫn chúng ta đến phòng cấp cứu trong những tháng hè nóng nực. Ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong những tháng hè, vì nhiệt độ nóng và điều kiện ẩm ướt tạo ra môi trường tối ưu để vi khuẩn nhân lên nhanh chóng.

Điều này rất hay gặp sau những bữa liên hoan ngoài trời vào mùa hè, khi thực phẩm không được nấu chín đúng cách hoặc bị bỏ ngoài nắng nóng. Hoặc khi trái cây và rau quả không được rửa đúng cách.

Đặc biệt cảnh giác với thực phẩm để ngoài trời suốt cả ngày và cần rửa tay đúng cách trước khi ăn.

5. Chấn thương thể thao

Các chấn thương liên quan đến thể thao khi chơi ném đĩa, bóng đá và các hoạt động ngoài trời cũng là một vấn đề lớn. Theo các chuyên gia, bong gân, trật khớp và gãy xương là những thương tích rất hay gặp ở các phòng cấp cứu thời điểm mùa xuân và mùa hè.

Việc điều trị những thương tích này thường chỉ cần chăm sóc tại nhà. Nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao vùng bị thương. Nhưng nếu cảm thấy có điều gì đó nghiêm trọng hoặc tệ hơn, hãy đến bác sĩ càng sớm càng tốt.

7 loại thương tích hay gặp nhất trong những ngày hè - 4

6. Kích ứng da và côn trùng cắn

Với những ngày dài ở ngoài trời, tình trạng ngứa ngáy do cây cỏ dại rất hay gặp. Vết đốt của côn trùng và ve cũng rất phổ biến, và trong một số trường hợp nhiễm trùng có thể cần kháng sinh. Thêm vào đó là vi-rút sốt xuất huyết và Zika cũng đang rập rình tái xuất ở nhiều địa phương.

Hãy để ý đến mọi nốt sẩn hoặc vết sưng không biến mất hoặc ngày càng to lên. Và tìm hiểu những biện pháp phòng chống côn trùng và muỗi.

7. Bỏng nắng

Tuy hầu hết các vết bỏng nắng không cần đến bệnh viện, song một số lại cần. Theo nghiên cứu gần đây trên tờ Dermatology, năm 2013, đã có gần 34.000 lượt khám cấp cứu tại Mỹ do bị bỏng nắng nghiêm trọng. Đi khám bác sĩ nếu bỏng nắng khiến da bị phồng rộp hoặc kèm theo buồn nôn, lú lẫn, đau đầu, đau dữ dội hoặc ớn lạnh. Cũng nên đi khám bác sĩ nếu các biện pháp tại nhà như bôi nha đam hoặc thuốc giảm đau như ibuprofen không giúp ích gì sau vài ngày.

Nhưng cho dù bạn có thể chăm sóc vết bỏng ở nhà, đó là một trải nghiệm không dễ chịu nhưng dễ tránh.

Thực hành thói quen bảo vệ nắng tốt cho chính mình và đặc biệt chú ý đến trẻ em, vì chúng thường không nhớ bôi lại kem chống nắng.

Cẩm Tú

Theo MSN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm