7 dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc ung thư thực quản
(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân ăn có cảm giác nuốt nghẹn, khó chịu, khi đến viện khám phát hiện ung thư thực quản.
Tưởng viêm họng, hóa ung thư thực quản
Bệnh nhân T.V.N. (66 tuổi, Nam Định) cho biết, trước thời điểm đến viện vài tháng, ông xuất hiện triệu chứng ho, viêm họng, nhưng uống thuốc mãi không đỡ.
Sau một tháng, ăn uống cảm giác khó khăn hơn vì nuốt nghẹn, không muốn ăn uống. Đi khám tại Bệnh viện K, ông ngỡ ngàng khi bác sĩ thông báo mắc ung thư thực quản.
ThS.BSCK II Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng khoa Nội tiêu hóa trên và Hệ tiết niệu, Bệnh viện K cho biết, ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biến thường gặp ở nam nhiều hơn nữ giới.
Theo thống kê của Globocan 2020 tại Việt Nam, ung thư thực quản có tới hơn 3.200 ca mắc mới, và hơn 3.000 ca tử vong.
"Các dấu hiệu ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, thầm lặng. Đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn, với các triệu chứng như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng... bệnh nhân mới đến viện khám", BS Giang nói.
Các biểu hiện của bệnh ung thư thực quản gồm:
- Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau.
Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.
- Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
- Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.
- Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
- Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
- Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.
- Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,...
Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này.
Bệnh nhân có dấu hiệu cần đi viện khám. Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác.
Những ai có nguy cơ cao?
ThS.BSCK II Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, cho biết, nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản nhiều hơn nữ giới. Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản:
- Tuổi: ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60.
- Lạm dụng rượu, bia và thuốc lá: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8 - 10 lần so với người bình thường.
Thời gian hút càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, sẽ càng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
- Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
- Người có bệnh lý về thực quản: loét thực quản kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.
- Những người có chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, lạm dụng chất béo, thiếu các vitamin A, B2, C; duy trì thói quen ăn uống nhiều thực phẩm có chứa chất nitrosamin...
- Bệnh nhân từng có tiền sử mắc các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ, bỏng thực quản.
Điều trị ung thư thực quản có nhiều phương pháp như phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch... Việc chỉ định phương pháp nào phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước, sự lan tỏa của khối u và tình trạng chung của bệnh nhân
Để phòng ung thư thực quản, các chuyên gia khuyến cáo không nên hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
Cần áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…
Mỗi người nên duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, giảm căng thẳng, stress...
Bên cạnh đó, cần thực hiện tầm soát ung thư, nhất là ở những người có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ...