8 dấu hiệu cảnh báo loại ung thư gặp phổ biến ở chị em

Tú Anh

(Dân trí) - Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung. Trong đó, virus HPV được coi là "thủ phạm" chính gây ra căn bệnh này.

HPV là "thủ phạm" chính gây ung thư cổ tử cung

ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K cho biết, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.  

8 dấu hiệu cảnh báo loại ung thư gặp phổ biến ở chị em  - 1

ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K (Ảnh: Linh Linh)

Đây cũng là căn bệnh có tiên lượng điều trị rất tốt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp ung thư cổ tử cung vẫn đến viện ở giai đoạn muộn, do chủ quan nghĩ căn bệnh này chỉ gặp ở người lớn tuổi.

Theo BS Chinh, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, trong đó, nhiễm virus HPV được coi là "thủ phạm" chính, gây ra phần lớn ca ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là có nguy cơ ung thư. Bởi virus HPV có  hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18. Đây cũng là 2 type HPV gặp phổ biến nhất.

Việc sàng lọc virus HPV giúp bác sĩ theo dõi chặt các trường hợp nguy cơ cao.

Ung thư cổ tử cung cũng có nguy cơ cao ở những người sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi);  Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên), tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1-2 con.

Các yếu tố khác như béo phì, hút thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, tuổi cao, suy giảm miễn dịch... cũng làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

8 dấu hiệu cảnh báo bất thường

Chuyên gia khuyến cáo, ngay khi thấy dấu hiệu bất thường dưới đây, các chị em nên đến cơ sở chuyên khoa phụ khoa để thăm khám sớm.

- Ra máu âm đạo bất thường.

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.

- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân

Tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào?

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, mọi phụ nữ đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Vì thế, dù căn bệnh gặp phổ biến nhất ở độ tuổi 35-44, nhưng các bác sĩ vẫn khuyến cáo thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cho mọi phụ nữ. 

8 dấu hiệu cảnh báo loại ung thư gặp phổ biến ở chị em  - 2

Bệnh nhân đến khám, tầm soát ung thư tại Bệnh viện K (Ảnh: Linh Linh).

Độ tuổi nên bắt đầu thực hiện sàng lọc là từ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục...

Tầm soát ung thư cổ tử cung cho phép phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 90%.

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là Pap và HPV. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

Quy trình thực hiện xét nghiệm Pap thường diễn ra rất nhanh gọn và đơn giản, thường chỉ mất tầm vài phút. Bạn sẽ được các bác sĩ và y tá hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.

Để đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm Pap chính xác nhất có thể, bạn cần làm theo những hướng dẫn dưới đây:

- Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.

- Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên làm sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3 - 5 ngày.

- Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm thì nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện định kỳ 1-3 năm một lần.