60% trẻ nhỏ có rối loạn tiêu hóa
(Dân trí) - Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Phó chủ tịch hội Nhi Khoa Việt Nam, có 60% trẻ dưới 6 tháng tuổi có triệu chứng về rối loạn tiêu hóa và hậu quả là trẻ sẽ chậm lớn, thấp còi, quấy khóc và một số trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Rối loạn tiêu hóa là những biểu hiện không bình thường, xuất hiện trong quá trình nuôi trẻ, liên quan đến bữa ăn, thức ăn và cách cho trẻ em, xuất hiện trong hay ngoài bữa ăn với các biểu hiện thường gặp: là trào ngược, đau bụng, nôn trớ, tiêu chảy, táo bón… Khi những hiện tượng này kéo dài sẽ khiến trẻ chậm lớn, quấy khóc, một số trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tỉ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi ở châu Á bị chứng này chiếm tới 60%, và tỉ lệ bị rối loạn tiêu hóa do ăn sữa ngoài cao gấp 7 lần so với sữa mẹ.
Mặc dù đa số lành tính, giảm dần khi trẻ 1 tuổi nhưng vẫn có số ít do nguyên nhân thực thể vì vậy cần chẩn đoán sớm.
GS.TS Gia Khánh phân tích: “Ở độ tuổi này cấu tạo và chức năng hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển chưa hoàn thiện do đó trước 3 tháng sau sinh, nước bọt bài tiêt rất ít, vì vậy không nên cho trẻ em ăn bột trước 3 tháng. Yếu tố thứ 2 gây rối loạn tiêu hóa là mâu thuẩn giữa nhu cầu năng lượng cao và chức năng chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa; sự không phù hợp giữa thức ăn và lứa tuổi, với cấu trúc hệ tiêu hóa theo tuổi; phương pháp chăm sóc dinh dưỡng không phù hợp với lứa tuổi ((cho trẻ ăn bột quá sớm)”.
Lý giải nguyên nhân hay nôn, GS.TS Khanh cho biết đó là do cơ thực quản, cơ dạ dày yếu, mỏng nên trẻ dễ bị nghẹn hoặc nôn nhất là khi ăn nhiều và nếu là yếu tố sinh lý thì chứng này sẽ chấm dứt khi bé 7-8 tuổi.
Tuy nhiên, khi để tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới sự hấp thu dĩnh dưỡng, trẻ có thể bị thiếu vi chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương và thấp còi.
Cụ thể, một khảo sát tại Brazil trên gần 200 trẻ cho thấy nếu trẻ bị trung bình 7 đợt tiêu chảy trong 2 năm đầu đời thì đến 7 tuổi sẽ thấp hơn so với bạn cùng lứa tuổi không mắc bệnh là 3,6cm…. dù được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Do đó, xử lý kịp thời rối loạn tiêu hóa bằng việc cho trẻ chỉ bú mẹ trong 6 tháng đầu, không cho ăn các loại thực phẩm khác; vệ sinh đầu vú sạch sẽ mỗi khi cho bé bú; Khi trẻ lớn hơn cần chú ý lựa chọn những loại sản phẩm có thể tiêu hóa và hấp thu dễ dàng…. Giáo sư Nguyễn Gia Khánh cũng cho rằng, việc điều trị rối loạn tiêu hóa bằng probiotics (chứa 5 loại lợi khuẩn) cũng mang lại hiệu quả rất tốt cho trẻ.
Còn PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng trẻ 3 tuổi ở tình trạng thấp còi thì khi trưởng thành sẽ bị thấp. Và việc bổ sung dinh dưỡng tốt sẽ giúp trẻ nâng cao tầm vóc. Những thực phẩm giàu vitamin A, D, giàu chất sắt, canxi, kẽm như: Dầu gan cá, trứng gà, tôm đồng, lương, gan, ngũ cốc, sữa, chế phẩm từ sữa… rất tốt cho sự phát triển của hệ xương từ đó giúp nâng cao tầm vóc trẻ.
Trần Phương