6 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung

Tú Anh

(Dân trí) - Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung như: nhiễm HPV thì độ tuổi sinh đẻ, béo phì, hút thuốc quan hệ tình dục không an toàn...

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Đây là loại bệnh mà tế bào ung thư thường xuất phát từ vùng chuyển tiếp nơi tiếp nối tế bào biểu mô vẩy và tế bào biểu mô trụ của cổ tử cung.

Năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

6 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung - 1

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u cổ tử cung của bệnh nhân.

Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

- Virus HPV: là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.

- Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung.

- Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi.

- Sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

- Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh một - 2 con.

- Một số nguyên nhân khác: béo phì, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài ….

Chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

- Ra máu âm đạo bất thường.

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

- Đau tức vùng bụng dưới.

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.