6 nguyên nhân phổ biến khiến bạn thành người “xấu bụng”

(Dân trí) - Các nghiên cứu gần đây đã liên hệ sức khỏe đường ruột với mọi thứ từ sức khỏe tinh thần đến ung thư, 8 mét ruột trong bụng bạn chính là điểm xuất phát của toàn bộ sức khỏe. Và bất chấp những gì mà các nhà sản xuất muốn bạn tin – sức khỏe đường ruột không chỉ đơn giản là nên ăn gì.

6 nguyên nhân phổ biến khiến bạn thành người “xấu bụng” - 1

Tất cả mọi thứ bạn ăn - và nhiều thứ bạn làm (kể cả ngủ) - đều có thể ảnh hưởng đến các vi khuẩn trong ruột. Hãy ăn món salad chứa đầy chất xơ và chúng sẽ tạo ra các sản phẩm chất thải hữu ích giúp tăng tốc độ tiêu hóa. Suýt bị tai nạn trên đường về và cơ thể bạn sẽ giải phóng những hoóc môn thông qua một loạt các hiệu ứng có thể làm thay đổi môi trường vi khuẩn và gây ra rối loạn tiêu hóa. Vi khuẩn giống như những người quản lý văn phòng đường ruột của bạn, tham gia vào tất cả những gì xảy ra bên trong cơ thể bạn trong một ngày. Sẽ không có gì tốt nếu bạn chọc giận chúng. Nếu ruột của bạn không hạnh phúc, thì không có ai hạnh phúc cả. Nó sẽ cáu kỉnh – dưới dạng đầy hơi, chướng bụng, táo bón, khó chịu nói chung và không có gì tốt từ đó.

Các chuyên gia bắt đầu thấy rằng các rắc rối ở đường ruột có xu hướng nảy sinh từ một khái niệm khá đơn giản: sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có ích và không có ích. Theo BS. Kara Gross Margolis, giảng viên tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia và là người phát ngôn của Hội Tiêu hóa Mỹ, ruột có chứa hàng tỷ tỷ những vi khuẩn, có vai trò lớn hơn nhiều so với chúng ta vẫn nghĩ.”

Dưới đây là 6 yếu tố hàng đầu có thể khiến bạn trở thành người “xấu bụng”.

6 nguyên nhân phổ biến khiến bạn thành người “xấu bụng” - 2

Cà phê buổi sáng (và không ăn gì khác)

Bữa sáng gần đây đã không còn được coi là “bữa ăn quan trọng nhất trong ngày”, như một số người muốn bạn nghĩ. Nhưng ruột lại mong muốn điều khác. Đối với đường ruột, thức ăn buổi sáng là rất quan trọng. Những vi khuẩn trong ruột có nhịp sinh học riêng của chúng. Điều này khiến cho sự cân bằng của chúng thay đổi đáng kể trong suốt cả ngày. Ví dụ, các vi khuẩn sản xuất tryptophan giúp bạn cảm thấy buồn ngủ vào buổi tối. Một bữa sáng nhiều chất xơ sẽ nuôi dưỡng những vi khuẩn mà bạn cần trong những giờ thức dậy, khiến chúng sinh sôi và giải phóng những chất thiết để cung cấp năng lượng trong ngày. Khi phá vỡ nhịp sinh học của chúng, điều đó có thể dẫn đến việc sản sinh các chất có thể khiến bạn cảm thấy lờ đờ.

Không đủ chất xơ

Trứng cho bữa sáng, bánh sandwich gà tây và phô mai cho bữa trưa, sushi cho bữa tối; nghe có vẻ như một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng chất xơ đâu rồi? (như trong trái cây, rau, đậu)? Bạn cần nhận 38g chất xơ mỗi ngày; tất cả những thực phẩm này hầu như không có. Vi khuẩn tốt ăn chất xơ - nó giống như kẹo của chúng - và khi ăn, chúng tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, ngăn ngừa viêm nhiễm và giúp các đầu mút dây thần kinh trong ruột di chuyển mọi thứ theo đường ruột. Không có chất xơ, sẽ giống như bị tắc đường. Táo bón có thể gây đầy hơi, vì nó lãng phí nhiều thời gian hơn cho quá trình lên men và sinh ra khí.

Bạn cũng có thể bỏ lỡ các vi khuẩn giúp điều chỉnh tâm trạng. Ruột không chỉ sản xuất 95% serotonin của cơ thể, mà một nghiên cứu mới đã liên hệ trầm cảm và lượng thấp hơn của hai loại vi khuẩn đường ruột. Các nhà khoa học không thể biết chính xác làm thế nào để nuôi hai vi khuẩn này và đành bám vào câu câu thần chú “ăn nhiều chất xơ”, vì đó là một ý tưởng tốt cho dù thế nào đi chăng nữa.

Chất béo vô dụng

Khi bạn ních đầy ung đường và chất béo không lành mạnh, vì dụ như bánh donut, hoặc một chiếc burger phô mai đúp, bạn đang nuôi những vi khuẩn không có ích. Sau đó, chúng sẽ tiết ra những dẫn đến viêm, có thể gây ra tiêu chảy, đầy hơi và táo bón.

Một chế độ ăn ổn định gồm những chất béo này cũng gây rối hoạt động của thành ruột. Bình thường, thành ruột được phủ bằng một lớp chất nhầy. Tất cả những chất béo không lành mạnh đó có thể làm mỏng lớp bảo vệ này, cho phép vi khuẩn nằm ngay sát niêm mạc ruột. Điều đó giải phóng hệ thống miễn dịch và gây ra những vấn đề mãn tính như bệnh tim và tiểu đường.

Ăn quá nhanh

Hơi có thể được tạo ra bởi thực phẩm ăn vào và không khí nuốt vào nếu bạn ăn nhanh. Một số loại tinh bột và đường - thường là những loại tốt, như đậu đỗ, súp lơ xanh và hành tây - được tiêu hóa kém. Vì vậy, chúng có thể đi đến đại tràng mà chưa được tiêu hóa hoàn toàn. Các vi khuẩn ở đó sẽ có được đồ ăn nhưng cũng có nhiều khả năng tạo ra hơi (nhiều hơn ở một số người so với những người khác).

Tất nhiên, nhai kẹo cao su và uống nước có ga cũng có thể gây ra hơi. Nếu bạn thực sự bị đầy hơi, hãy thử dùng thuốc giảm đầy hơi không kê đơn. Chúng sẽ làm giảm sức căng bề mặt của bọt khí trong ruột để làm tan hơi.

Thần kinh

Khi lo lắng hoặc căng thẳng, bạn có thể thở nhanh hơn và nuốt nhiều không khí hơn khiến ruột bị giãn ra và bạn có cảm giác đầy hơi và chướng bụng. Thêm vào đó, bạn có thể thót bụng lại, ảnh hưởng đến nhu động ruột. Hãy giải tỏa căng thẳng bằng bất cứ cách gì có được - thở sâu vài lần, đứng dậy khỏi bàn làm việc, tập chống đẩy vài lần….

Thiếu ngủ

Một đêm ngủ không ngon có thể khiến bạn bị táo bón hoặc đầy hơi vào buổi sáng. Hệ thống tiêu hóa cần giấc ngủ ngon càng nhiều càng tốt. Khi bạn không nghỉ ngơi đủ lâu trong đêm, cơ thể không có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn đã ăn trong suốt cả ngày. Đừng cản trở ruột của bạn làm việc trong ca ba của nó.

Cẩm Tú

Theo MH