1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

6 lầm tưởng khi sử dụng nước súc miệng

(Dân trí) - Nhiều người sử dụng nước súc miệng hoặc súc miệng như là một trong những thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nhưng chúng ta thực sự biết được bao nhiêu về hoạt chất súc miệng này ngoài biết rằng chúng có rất nhiều màu sắc. Dưới đây là 6 lầm tưởng về nước súc miệng cần được giải đáp.

6 lầm tưởng khi sử dụng nước súc miệng - 1

Tất cả loại nước súc miệng đều được sản xuất như nhau

Theo TS. Euan Swan, quản lý chương trình nha khoa tại Hiệp hội nha khoa Canada ở Ottawa, “Những lợi ích từ việc sử dụng nước súc miệng phụ thuộc phần lớn vào sản phẩm được sử dụng”.

Nước súc miệng có thể được phân loại là mỹ phẩm hoặc thuốc trị liệu. Súc miệng với sản phẩm nước súc miệng loại mỹ phẩm sẽ làm mềm mảng bám thức ăn ở răng, hạn chế vi khuẩn trong miệng, giảm tạm thời tình trạng hôi miệng và mang lại hơi thở tươi mát cho vùng miệng. Những sản phẩm như vậy không thể có tác dụng tốt hơn được nữa.

Trong khi nước súc miệng là thuốc trị liệu chứa các thành phần hoạt chất bổ sung như tinh dầu, chlorhexidine (sát trùng), cetylpyridinium chloride và floride, đã được chứng minh là làm giảm mảng bám hoặc chống sâu răng.

Nước súc miệng là an toàn

Nhiều loại nước súc miệng chứa hàm lượng cồn cao (có thể gây nguy hiểm cho trẻ em) có thể gây ra tình trạng khô miệng, và trớ trêu đó chính nguyên nhân gây ra hơi thở khó chịu, và gây kích ứng các mô miệng.

Tiến sĩ Lewis West, một nha sĩ ở Toronto, Canada cho biết thêm: “Ở một số người, cồn có thể khiến chân răng trở nên nhạy cảm”. Cũng có những nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa nước súc miệng có chứa cồn và ung thư miệng nhưng nghiên cứu còn hạn chế và nhiều chuyên gia cho biết không có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận này.

Nước súc miệng không chứa cồn cũng có sẵn ngoài thị trường. Nhưng các thành phần khác cũng có thể gây ra các phản ứng phụ. Nhiều thành phần có thể làm ố răng hoặc gây ra cảm giác bỏng rát. Tinh dầu có thể có hương vị khó chịu. Chlorhexidine có thể tạm thời làm thay đổi vị nhưng không được khuyến cáo sử dụng lâu dài.

Nước súc miệng không có nghĩa là có thể hấp thụ, chúng có thể gây ra một vài vấn đề cho cơ thể nếu vô tình nuốt phải. Và hơn cả, nước súc miệng được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ nhỏ.

Nước súc miệng có thể chữa hôi miệng

Nước súc miệng tạm thời có thể làm giảm tình trạng hôi miệng nhưng nó không phải là một giải pháp chữa trị tình trạng này vĩnh viễn.

Ví dụ, các hợp chất bốc mùi từ bữa ăn trưa có tỏi thực sự xuất phát từ phổi của chính chúng ta khi thở ra, vì vậy việc làm thơm miệng tạm thời không thể có tác dụng lâu dài.

Nước bọt đôi khi cũng phản lại chúng ta khi chúng làm loãng nước súc miệng. Trong một số trường hợp, protein trong nước bọt có thể làm giảm hiệu quả của các thành phần có trong nước súc miệng.

Nước súc miệng có thể thay thế việc đánh răng

Nước súc miệng có thể làm giảm mức độ vi khuẩn trong miệng. Nhưng đây không phải là biện pháp có thể kéo dài suốt cả ngày. Chúng ta vẫn phải vệ sinh răng miệng và đánh răng hàng ngày.

Dùng chỉ nha khoa hoặc đánh răng bằng bàn chải lông mềm sẽ có tác dụng hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mảng bám và các mảnh vụn thức ăn so với nước súc miệng.

Nghiên cứu cho thấy vệ sinh răng miệng bằng cách bổ sung thêm với nước súc miệng vào thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày trên thực tế có thể cải thiện sạch sẽ tổng thể bộ phận răng miệng của chúng ta và tránh xa được tình trạng viêm sưng lợi. Nhưng nước súc miệng thường chỉ được coi là một bổ sung tạm thời và không phải là một thay thế cho việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày của chúng ta.

Chỉ cần súc miệng trong vài giây

Có phải bạn chỉ súc miệng trong vài giây nhanh chóng sau đó nhổ luôn không? Hầu hết các loại nước súc miệng hiệu quả nhất khi tiếp xúc với mô miệng trong 30 giây mỗi lần sử dụng.

Tuy nhiên, một số người cho rằng nước súc miệng rất mạnh hoặc làm nóng mô miệng nhiều nên khó để ngậm lâu. (Thậm chí có cả một nhóm trên Facebook dành cho những người không thể ngậm nước súc miệng trong vòng nửa phút).

"Nước súc miệng nên được sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất", Tiến sĩ Swan nói.

Nước súc miệng chỉ dành riêng cho miệng

Nước súc miệng không phải chỉ có tác dụng cho vùng khoang miệng. Nó là một sản phẩm làm sạch để bảo vệ răng miệng. Ví dụ, mọi người cũng có thể dùng nước súc miệng có chứa cồn để kiểm soát gầu ở da đầu, chăm sóc vết thương, làm chất khử trùng bồn vệ sinh và thậm chí khử mùi dưới da.

Quách Vinh

Theo RD