55/130 bệnh viện tại TPHCM phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đến khám
(Dân trí) - Dù cố gắng kiểm soát nhưng nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập. Một số bệnh viện được cho là có bị động trong phòng chống, khiến mầm bệnh lây lan.
Tính đến sáng 1/7, đã có hơn 4.200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn TPHCM được Bộ Y tế công bố. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Y tế dự báo số ca nhiễm sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Hệ thống bệnh viện đối mặt với nguy cơ Covid-19 xâm nhập mức cao. Theo Sở Y tế, từ khi dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, có 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố phát hiện trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh.
Đa số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được các bệnh viện phát hiện chủ động qua phân luồng, sàng lọc, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, có một số bệnh viện phát hiện bị động dẫn đến lây lan mầm bệnh trong cơ sở y tế.
Từ ngày 18/5 đến 1/7, TPHCM có 459 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện ở 55 bệnh viện công lập và tư nhân. Những bệnh viện phải phong tỏa, gồm: Bệnh viện quận Tân Phú; Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Mới đây nhất, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, SARS-CoV-2 xâm nhập từ một người ở quận Bình Tân đang chăm người nhà, khiến 24 trường hợp khác là thân nhân, bệnh nhân đang điều trị nội trú cùng một khối nhà dương tính.
Theo phân tích của Sở Y tế, các bệnh viện đang gặp không ít khó khăn trước tính chất lây lan rất nhanh từ biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, nhiều trường hợp không có biểu hiện bệnh.
Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện siết chặt các giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện thực hiện nghiêm sàng lọc qua khai báo y tế, đo thân nhiệt; củng cố cơ sở hạ tầng cho bộ phận khai báo y tế và khám sàng lọc theo hướng tách rời khỏi khối nhà hiện hữu của khoa Khám bệnh; nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm quy định phòng chống lây nhiễm trong giai đoạn hiện nay.
Tất cả bệnh nhân đến cấp cứu phải qua buồng cấp cứu sàng lọc, làm xét nghiệm PCR tầm soát trước khi chuyển lên các khoa nội trú. Thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả trường hợp có chỉ định nhập viện, nếu có thực hiện test nhanh vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR. Trong thời gian chờ kết quả PCR phải bố trí người bệnh trong buồng cách ly tạm - Sở Y tế yêu cầu.
Các bệnh viện xét nghiệm định kỳ hàng tuần, xét nghiệm đột xuất cho nhân viên. Người nhà nuôi bệnh, phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi tham gia chăm sóc người bệnh, không dựa vào kết quả test nhanh âm tính.