1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

51 ngày chống chọi tử thần, cậu bé 120kg khỏi Covid-19, xuất viện ngày Noel

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bé trai nặng 120kg nhiễm Covid-19 nguy kịch, được các bác sĩ đưa từ cõi chết trở về và xuất viện sau 51 ngày điều trị ròng rã.

Cha mất, để lại mẹ và 4 anh em bé L.M.P. (15 tuổi, ngụ quận 5) không nhà cửa, không tài sản. Là con thứ 3 trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, P. nghỉ học từ lớp 5, bươn chải ra đời kiếm tiền phụ mẹ lo cho gia đình. Mới tí tuổi đầu, cậu bé phải làm việc nặng nhọc trong một xưởng làm sắt. Những dịp lễ hội, em còn theo anh trai tham gia đội múa lân kiếm thêm thu nhập.

51 ngày chống chọi tử thần

Những ngày tháng 11 khi TPHCM mở cửa bình thường mới, P. nhiễm Covid-19 khi lao vào dòng đời mưu sinh. Em sốt 3 ngày kèm ho đờm, khó thở, đau ngực tăng dần, SpO2 giảm thấp lại chưa tiêm mũi vaccine nào và đặc biệt nặng đến 120kg - nặng nhất trong các bệnh nhi nhiễm Covid-19 từ trước đến nay.

51 ngày chống chọi tử thần, cậu bé 120kg khỏi Covid-19, xuất viện ngày Noel - 1

Thời điểm nhập viện, P. nặng đến 120kg (Ảnh: BVCC).

Ngày 4/11, P. được đưa vào khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố. Từ đây, bệnh nhi trải qua quá trình căng não chống chọi với tử thần.

Từ ngày đầu đến ngày 14 nhập viện, P. ho đờm vàng đặc nhiều, đau ngực, suy hô hấp tăng dần, không đáp với thở oxy dòng cao (HFNC). Các bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, cho thở máy thông số cao. Nhưng tình trạng ngày một diễn biến xấu, oxy hóa máu kém, phổi tổn thương trắng xóa và suy đa cơ quan. Sau khi hội chẩn khẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhi cần chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo)

Từ ngày 14 đến ngày 22 nằm viện, bé rơi vào cơn bão cytokin. Ê-kíp Hồi sức Covid-19 của BV lại hội chẩn khẩn, tiến hành lọc máu 7 ngày liên tục cho bé. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) sau 23 ngày điều trị.

51 ngày chống chọi tử thần, cậu bé 120kg khỏi Covid-19, xuất viện ngày Noel - 2

Bé P. ngày chuyển từ khoa Nhiễm sang khoa ICU (Ảnh: BVCC).

Tại khoa ICU, bé được kết hợp điều trị hàng loạt các biện pháp phức tạp như thở máy, dùng kháng sinh, kháng nấm, thuốc an thần, lọc máu liên tục, ngày, truyền chế phẩm máu, kháng đông, chăm sóc da, xử lý vết loét vùng cùng cụt và tiếp tục chạy ECMO. Ngoài ra, bệnh nhi còn được tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động, tư vấn tâm lý.

Đã có lúc, bệnh nhi cai máy ECMO thất bại, tuyệt vọng đòi buông xuôi để đi theo với người cha đã mất. Tuy nhiên, các bác sĩ vừa tích cực điều trị, vừa nâng đỡ tinh thần cho bé. Họ cố gắng để P. thấy sự ân cần của nhân viên y tế cũng như người thân trong nhà.

Nhờ vậy P. diễn tiến cải thiện dần, không sốt, thông số máy thở giảm dần, tự thở tốt, X-quang phổi cải thiện, sinh hiệu ổn. Em được ngưng chạy ECMO sau 26 ngày. Tỉnh dậy sau cuộc chiến sinh tử, em khóc trên giường bệnh vì nhớ bố.

Món quà đặc biệt ngày Giáng sinh

Ngày 24/12, BV Nhi đồng Thành phố xác định, P. đủ điều kiện xuất viện sau 51 ngày điều trị. Thời gian tới, bé sẽ tiếp tục tự tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động theo các bài tập được hướng dẫn tại nhà. Một tuần sau, bé sẽ được tái khám để đánh giá vết loét ở vùng lưng, chức năng hô hấp, dinh dưỡng. Ngoài ra, các biến chứng hậu Covid-19 cũng sẽ được theo dõi sát.

Vì áp dụng các biện pháp can thiệp chuyên sâu, viện phí điều trị của bệnh nhi đã hơn 1.1 tỷ đồng, trong đó phần lớn được ngân sách Nhà nước chi trả.

BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng Thành phố chia sẻ, P. là một đứa trẻ rất kiên cường và tình cảm, dù quá trình điều trị có những giai đoạn rất thử thách. "Cô nhớ hoài cái nắm tay của con. Con rất sợ, nhưng con đã làm được" - bác sĩ Thy xúc động tâm sự với cậu bé.

51 ngày chống chọi tử thần, cậu bé 120kg khỏi Covid-19, xuất viện ngày Noel - 3

Các bác sĩ tặng quà cho bệnh nhi ngày xuất viện (Ảnh: BVCC).

Việc cứu sống được bệnh nhi là thành quả của sự đồng lòng nỗ lực phía nhân viên y tế và của chính bệnh nhân. P. được xuất viện là món quà Giáng sinh đặc biệt với toàn bộ ekip điều trị cho bé.

TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc BV cho biết, trường hợp này cho thấy ngành y tế TPHCM dù thời gian qua đã chịu rất nhiều tổn thất, khó khăn nhưng vẫn cố gắng cứu sống thật nhiều bệnh nhân trong cơn đại dịch.

"Chúng ta đã từng có một phi công người Anh 100 kg nằm viện trên ba tháng, chi phí cao ngất ngưỡng nhưng may mắn được bảo hiểm nước ngoài chi trả.

Và giờ cũng tại TPHCM, chúng ta có một "tiểu phi công" người Việt, 120kg với một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, phải nằm viện gần 2 tháng trời, chi phí lên đến hàng tỷ đồng được Ngân sách nhà nước, bảo hiểm xã hội chi trả và những tấm lòng của các mạnh thường quân giúp đỡ" - TS.BS Định nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm