Phẫu thuật ghép giác mạc:

50% người mù sẽ nhìn được

(Dân trí) - Đó là thông tin được bác sĩ Trần Minh Hoàng, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện FV (TPHCM), khẳng định tại buổi giới thiệu các phương pháp mới nhất về cấy ghép giác mạc và “cấy răng trong mắt”.

Ghép giác mạc - Giải pháp an toàn   Bác sỹ Trần Minh Hoàng cho biết, giác mạc là cửa ngõ đầu tiên để ánh sáng truyền vào mắt, nên bất cứ nguyên nhân nào làm giác mạc bị đục (bẩm sinh, sẹo do chấn thương, bỏng, nhiễm trùng) đều có thể dẫn tới mù lòa. Trong trường hợp này, ghép giác mạc là biện pháp điều trị có thể bảo tồn được nhãn cầu, phục hồi thị lực cho bệnh nhân.   Hiện nay có hai kỹ thuật ghép chính là ghép lớp và ghép xuyên, tùy theo mục đích điều trị và tổn thương của bệnh nhân. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp ghép giác mạc nói trên là không thể thành công khi bệnh nhân bị các bệnh lý bề mặt mắt và giác mạc giai đoạn cuối, mắc hội chứng Stevens Johnson, bỏng nhiệt/hóa chất nặng hoặc ghép giác mạc thất bại nhiều lần…   “Cấy răng trong mắt” - Giải pháp của hy vọng   Lần đầu tiên tại TPHCM, Bệnh viện FV phối hợp cùng Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore (SNEC) giới thiệu phương pháp cấy ghép giác mạc “cấy răng trong mắt”. Phương pháp này có thể khắc phục được những nhược điểm mà 2 phương pháp trên không thể thực hiện được.   Giáo sư, bác sĩ Donald Tan Tiang-Hwee, Phó giám đốc Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore, cho biết: “Trong các trường hợp này, phương pháp cấy răng trong mắt sẽ là giải pháp cuối cùng”.   “Cấy răng trong mắt” là quá trình phẫu thuật gồm 2 giai đoạn. Đầu tiên, giác mạc, bề mặt bên trong mi mắt và toàn bộ mô sẹo của mắt do tổn thương cũ được lấy đi và được che phủ trở lại bằng cách ghép niêm mạc lót bên trong má.   Bác sĩ nhổ một chiếc răng nanh của bệnh nhân, gồm cả chân răng, xương và các dây chằng. Sau đó, bác sĩ khoan một lỗ nhỏ ở trung tâm của khối răng thành hình cái then (chốt cửa) và đặt vào đó một ống nhựa hình trụ. Toàn bộ khối xương-răng-ống nhựa được cấy ghép tạm thời trong má của bệnh nhân, nhằm tạo cho nó một hệ thống mạch máu.   Giai đoạn 2 của cuộc phẫu thuật sẽ bắt đầu sau đó 4 tháng. Khi đó, bác sĩ sẽ khoan một lỗ trên bề mặt niêm mạc mắt để đưa khối cấy ghép vào. Giác mạc nhân tạo bằng xương-răng-ống nhựa được lấy ra từ má sẽ được gắn vào lỗ này và thực hiện chức năng của một giác mạc mới, truyền tải ánh sáng tới võng mạc.   Giáo sư, bác sĩ Donald Tan Tiang-Hwee cho biết thêm, tại Việt Nam, Bệnh viện FV là đối tác hợp tác độc quyền của Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore. Thỏa thuận này nhằm đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân cần điều trị bệnh mắt chất lượng cao. Theo đó, ngoài những dịch vụ sẵn có tại Bệnh viện FV, người bệnh Việt Nam có thể được đưa sang Singapore để điều trị nhiều loại bệnh mắt phức tạp hoặc để thực hiện các kỹ thuật ghép giác mạc, “cấy răng trong mắt” như trên.   Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện toàn cầu đang có khoảng 180 triệu người mắc các căn bệnh liên quan đến mắt, trong số đó có 50 triệu người bị mù do nhiều căn bệnh khác nhau. Còn theo các công trình nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương Việt Nam, tỷ lệ mù hai mắt hiện nay chiếm 0,63% dân số toàn quốc. Nguyên nhân chính gây mù lòa là đục thể thủy tinh, glocom, mắt hột và đặc biệt là các bệnh lý về giác mạc.   Hà Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm