5 vấn đề y tế nổi cộm năm 2008

(Dân trí) - Khởi đầu là nỗi thấp thỏm dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tiềm ẩn và kết thúc là cú sốc melamine toàn cầu, năm 2008 qua đi với nỗi lo VSATTP ngổn ngang chưa có lời giải.

1. “Bão” melamine “đổ bộ”

 

Vụ sữa nhiễm độc melamine gây ra sạn thận ở trẻ em Trung Quốc vào đầu tháng 9/2008 đã nhanh chóng trở thành "cơn bão" càn quét nhiều quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, với số lượng sữa bị niêm phong lên 778 tấn.

 

Tuy con số phát hiện và tạm thu là rất nhỏ, đồng thời Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng liên tục lên tiếng trấn an người dân nhưng không thể tránh khỏi tình trạng tẩy chay các sản phẩm sữa. Nhiều trường học, gia đình cắt hoàn toàn khẩu phần sữa, thực phẩm từ sữa khỏi thực đơn của bé.

 

Thể hiện quyết tâm kiên quyết làm "sạch" thị trường sữa, đã có lúc Bộ Y tế tuyên bố "không cho phép sản phẩm nhiễm lượng melamine được lưu hành". Nhưng khi WHO đưa ra ngưỡng an toàn cho các sản phẩm có melamine, Việt Nam đã chính thức ban hành ngưỡng melamine trong thực phẩm.

 

2. Quy định “ngực lép” khỏi đi xe

 

Ngày 30/9/2008, Bộ Y tế kí quyết định Ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo bản quy định này, muốn được lái xe, buộc phải qua 83 "ải" tiêu chuẩn, trong đó gây bức xúc dư luận nhất là tiêu chuẩn cao tối thiểu 1m45, cân nặng không dưới 40kg, có vòng ngực trung bình không dưới 72cm...

 

Không chỉ người dân mà nhiều cơ quan chức năng cho rằng quy định này có quá nhiều điểm không thực tế và nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém. Do thiếu cơ sở bảo lưu những quan điểm của mình, 1 tháng sau ngày kí quyết định, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, đề nghị dừng thi hành hai quyết định tiêu chuẩn sức khỏe lái xe. Cùng với đó, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Y tế rút kinh nghiệm trong chỉ đạo xây dựng, ban hành 2 quyết định tiêu chuẩn sức khỏe lái xe.

 

5 vấn đề y tế nổi cộm năm 2008 - 1
 

3. Bùng nổ và mất cân bằng giới tính

 

Trong năm qua, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007, dẫn đầu là Hà Nội, TPHCM... đã khiến mật độ dân số Việt Nam cao gấp 5-7 so với mật độ chuẩn thế giới, gấp đôi Trung Quốc và gấp 10 so với các nước phát triển.

Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đã đến mức báo động, nhiều vùng lên đến 115-125 bé trai/100 bé gái, (mức trung bình của thế giới là 105/107).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do nhiều gia đình đã hiểu sai Pháp lệnh dân số năm 2003. Cùng đó, sự phát triển nhanh chóng nhưng quản lý lỏng lẻo đối với các cơ sở siêu âm đã tạo cơ hội dễ dàng trong việc lựa chọn giới tính thai cho các gia đình muốn có con trai.

 

Quyết định kịp thời của Thường vụ Quốc hội trong việc sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và trách nhiệm thực hiện việc gia đình có từ 1 đến 2 con.... hứa hẹn sẽ góp phần tích cực giảm đà tăng dân số trong năm tới.

 

4. “Bóng ma” tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn rình rập

Không chỉ là vấn đề nổi cộm của ngành y tế năm 2007, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã tiếp tục bùng phát mạnh hơn, rộng hơn trong năm 2008. Vào đầu tháng 4, dịch đã chính thức có mặt ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, nâng tổng số người nhiễm khuẩn tả trong năm là gần 800 trường hợp.

Cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM đều có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nhất trong cả nước tính từ trước tới nay.

Hiện dịch bệnh đã được khống chế nhưng nguy cơ tái dịch vẫn lơ lửng trên đầu.

5. VSATTP “nóng” hơn bao giờ hết

 

Sự việc rau rửa bằng nước cống đã kéo dài 5 - 6 năm ở khu dân cư Cầu Đơ - Hà Tây bị phát hiện cuối tháng 2/2008 còn đang gây chấn động xã hội thì ít lâu sau, người dân lại thêm hoang mang bởi việc lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất bảo quản độc hại đối với rau quả.

Cuối tháng 11/2008, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra công bố khá "đẹp" về chất lượng rau, quả trên thị trường Việt Nam. Nhưng sau đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM lại công bố: hầu hết các mẫu trái cây Trung Quốc đều có thuốc bảo vệ thực vật và các hoạt chất không có trong danh mục.

Vụ ngộ độc rượu do lạm dụng chất methanol khiến gần 20 ca tử vong liên tiếp tại TPHCM một lần nữa cho thấy thực trạng đáng báo động của tình trạng sản xuất thiếu được kiểm soát.

 

VSATTP vẫn là ẩn họa treo lơ lửng trong cuộc sống của người dân.

 

Nhóm PV