5 người nguy kịch vì nồi canh nấm trắng thơm ngọt

(Dân trí) - Vào rừng hái được hơn 1kg nấm tươi, chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) vào nhà người quen trong rừng nấu nồi canh nấm nóng hổi cho 5 người nhà ăn và nhập viện sau đó hơn 6 tiếng ăn với biểu hiện ngộ độc nặng.

BS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), cho biết, đêm 9/3 khoa tiếp nhận 5 bệnh nhân người dân tộc Dao (ở Võ Nhai, Thái Nguyên) trong tình trạng tăng men gan gấp 4-5 lần so với bình thường và vẫn đang tăng trong những ngày tiếp theo, báo hiệu tế bào gan đang bị hủy hoại do ngộ độc nấm rừng. Trong đó, bệnh nhân Hồi là nặng nhất vì nhập viện muộn trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, trụy mạch. Khi vào viện, bệnh nhân này phải truyền tới 4 lít dịch huyết áp mới lên.

“Chúng tôi đang theo dõi chặt bệnh nhân, nếu nguy cấp sẽ phải lọc máu mới cứu được người bệnh. Đã từng có những ca cả gia đình 8 người ngộ độc nấm, 6 người chết, 2 người nguy kịch khi được chuyển đến viện cũng chỉ cứu được 1 người, không ít các gia đình cả nhà tử vong vì nồi canh nấm”, TS Sơn đau xót nói.

Hai chị em họ Lý Minh Khôi, Lý Thị Thùy đang rất nguy kịch vì ngộ độc nấm. Ảnh: H.Hải
Hai chị em họ Lý Minh Khôi, Lý Thị Thùy đang rất nguy kịch vì ngộ độc nấm. Ảnh: H.Hải

Người nhà các bệnh nhân cho biết, sáng 8/3, chị Thơm Lý Thị Thơm (35 tuổi) cùng con trai 13 tuổi và cháu gái 14 tuổi vào rừng hái được khoảng 1,5kg nấm trắng rất tươi ngon nên đã tạt vào nhà vợ chồng ông Thiệu Nho Phú (58 tuổi) nấu ăn. Nồi canh nấm thơm lừng, ngọt lịm nên chị Thơm ăn khoảng 10 cái nấm, hai bé còn lại ăn nhiều hơn. Riêng vợ chồng ông Phú không chỉ ăn buổi trưa mà phần còn lại tối cũng ăn luôn.

Ngay trong đêm 8/3, chị Thơm và con trai, cháu gái bắt đầu có biểu hiện nôn, đi ngoài liên tục nên đã đến BV Võ Nhai khám và được chuyển thẳng lên BV Thái Nguyên. Vợ chồng ông Phú cũng có biểu hiện nôn, đi ngoài liên tục nhưng chỉ đến khi chính quyền phải vào rừng vận động, đưa lên viện mới chịu đi.

Theo TS Sơn, đây là 5 bệnh nhân ngộ độc nấm đầu tiên của năm nay. Cả 5 bệnh nhân này được xác định ngộ độc nấm tán trắng, có đặc điểm rất giống với một loại nấm trắng ăn được.

Dự báo, sẽ còn tiếp tục các ca ngộ độc nấm bởi miền núi phía Bắc đang là mùa mưa, nấm hoang trong rừng mọc rất nhiều và tập quán hái nấm rừng.

 
Hai chị em họ Lý Minh Khôi, Lý Thị Thùy đang rất nguy kịch vì ngộ độc nấm. Ảnh: H.Hải
Men gan đã tăng gấp 4 - 5 lần so với bình thường, các bệnh nhân rấtnguy kịch vì có nguy cơ hôn mê gan. Ảnh: H.Hải

Trên thực tế, năm nào Trung tâm chống độc cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm mở những lớp tuyên truyền, nhận biết nấm độc cho đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, nhưng các ca ngộ độc nấm vẫn xảy ra do tập quán hái nấm rừng ăn của người dân.

Do đó, để không bị ngộ độc nấm, không nên ăn các loại nấm mọc hoang, tuyệt đối không ăn nấm lạ, kể cả nấm trắng hay màu sắc. Không ăn thử nấm. Không ăn nấm non, chưa xòe mũ vì chưa nhận dạng hết được nấm độc. Sau ăn nấu có các biểu hiện nôn đau bụng, ỉa chảy cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, gây nôn, uống than hoạt tính và chuyển lên BV tuyến trên và cần mang theo nấm (thức ăn dở, chất nôn…) để chuyên gia nhận dạng nấm độc, điều trị cho người bệnh được thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Người dân lưu ý, quan niệm những loại nấm có sâu bọ ăn thì không độc, người ăn được là sai lầm. Cũng không nên dùng cách thử cho động vật ăn nấm sau 1-2 tiếng thấy con vật vẫn ổn lại tưởng nấm lành người ăn sẽ rất nguy hiểm, vì có những loại nấm sau 12 tiếng mới bị và triệu chứng lâm sàng của nấm độc càng chậm sẽ càng nguy hiểm.


Hồng Hải