1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

5 ngộ nhận thường gặp về hội chứng chuyển hóa

Nhắc đến ung thư, AIDS ai cũng sợ, nhưng nói đến hội chứng chuyển hóa (HCCH), chẳng mấy ai sợ, mặc dù hội chứng này chiếm gần 1/5 dân số, góp phần làm tăng tỉ lệ mắc và tử vong của các bệnh béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường.

Dưới đây là 5 ngộ nhận thường gặp về hội chứng chuyển hóa:

 

1. Đang tuổi thanh niên, khỏe mạnh không có nguy cơ bị HCCH

 

SAI - Nếu hầu hết các bệnh lý khác do sự xâm hại của một yếu tố nguy hiểm không phải là thành phần bình thường của cơ thể (vi khuẩn, độc chất, tế bào bất thường...) thì thủ phạm của HCCH lại là những thành phần do chính cơ thể tạo ra, thậm chí là những chất cần thiết như cholesterol, triglyceride, glucose...

 

Đương nhiên với những “người nhà” này cơ thể chẳng mảy may đề phòng hay chống lại, nên HCCH hầu như không có triệu chứng gì đặc hiệu cho đến khi bệnh bùng phát vì “người nhà” đã sinh sản hàng loạt và tràn ngập khắp cơ thể.

 

2. Không ăn thức ăn có cholesterol, chẳng sợ tăng cholesterol máu

 

SAI - Cholesterol là thành phần cần thiết cho nhiều hoạt động của cơ thể, như tham gia tạo thành tế bào (nhất là tế bào thần kinh), thành phần của các hormone như hormone tủy thượng thận, hormone sinh dục... Vì vậy chẳng nên ngăn cấm cholesterol tồn tại trong cơ thể (mà có cấm cũng chẳng được!). Cơ thể có thể tự sản xuất cholesterol, được gọi là cholesterol nội sinh để phân biệt với cholesterol đưa vào từ thức ăn gọi là cholesterol ngoại sinh.

 

Khi ăn thiếu cholesterol, quá trình sản xuất cholesterol trong cơ thể sẽ tự động tăng lên, lúc đầu chỉ để đáp ứng nhu cầu “thị trường”, sau đó “nhà máy” sẽ quen dần với sản lượng cao, ngay cả khi cơ thể đã giảm hoạt động thể lực, đó mới chính là lúc cholesterol trở nên dư dả và bắt đầu “tìm đất cất nhà” ở những nơi sang trọng như gan, mạch máu... Tốt nhất, nên ăn uống cân đối và vận động thể lực đều đặn để thúc đẩy quá trình chuyển hóa cholesterol nhằm cân bằng cholesterol thông qua việc “tự sản, tự tiêu” của cơ thể.

 

3. Không ăn mỡ, chẳng sợ gì dư mỡ

 

SAI - Mỡ là dạng dự trữ năng lượng của cơ thể, do chính cơ thể tạo ra khi có năng lượng thừa, nên bất cứ thứ gì sinh năng lượng vào cơ thể nhiều hơn nhu cầu cũng có thể làm tăng mỡ cả. Những thức ăn sinh năng lượng ngoài mỡ còn có đường, bột, đạm và chất cồn. Người có thói quen ăn ngọt và uống nhiều bia rượu là những “ứng cử viên” sáng giá của HCCH.

 

4. Tập thể thao đều đặn, chẳng sợ gì bị HCCH

 

Đúng nhưng không hoàn toàn. Tập thể thao đều đặn là biện pháp tích cực để phòng ngừa HCCH, nhưng nếu mất cân bằng “thu-chi” năng lượng của cơ thể thì vẫn có kẽ hở để HCCH tấn công. Ngoài ra, những người có yếu tố di truyền về rối loạn chuyển hóa, bệnh vẫn có thể xảy ra ngay cả khi tập luyện thường xuyên.

 

5. Người gầy ốm không lo gì HCCH

 

SAI - Không phải không lo, mà lo ít hơn thôi. Đúng là phần lớn HCCH xảy ra ở người thừa cân, béo phì nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ người gầy ốm có hiện tượng tăng cholesterol, đường... do cơ địa họ có những rối loạn trong hấp thu và sử dụng chất dinh dưỡng. Không nên chủ quan cho dù bạn là người “mình hạc xương mai”.

 

Theo ThS-BS Đào Thị Yến Phi

Người lao động