5 loại nước tự làm tại nhà giúp làm tan sỏi thận

Hà An

(Dân trí) - Sỏi thận nhỏ có thể được thải ra ngoài một cách tự nhiên với nhiều chất lỏng và một số biện pháp tự nhiên giúp làm tan chúng.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể có thể giúp loại bỏ sỏi thận nhanh hơn. Một số chất, bao gồm giấm táo và nước chanh, có thể giúp làm tan sỏi thận, khiến chúng dễ dàng đào thải hơn.

Dưới đây là một số cách tự nhiên giúp làm tan sỏi thận:

Nước

Theo Healthline, để loại bỏ sỏi thận, việc tăng lượng nước uống vào có thể giúp đẩy nhanh quá trình này. Nghiên cứu cho thấy bạn nên uống đủ nước để có khoảng 2 lít nước tiểu thải ra hàng ngày để ngăn ngừa sỏi thận. Mất nước là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra sỏi thận.

Bạn cũng có thể chú ý đến màu sắc của nước tiểu. Nó phải có màu vàng nhạt, rất nhẹ. Nước tiểu màu vàng đậm là dấu hiệu cơ thể bị mất nước.

5 loại nước tự làm tại nhà giúp làm tan sỏi thận - 1

Uống đủ nước cũng là cách phòng ngừa sỏi thận (Ảnh: T.K).

Nước chanh

Bạn có thể thêm chanh vào nước bao nhiêu lần tùy thích. Chanh chứa citrate, một chất hóa học ngăn ngừa hình thành sỏi canxi. Citrate cũng có thể phá vỡ những viên sỏi nhỏ, giúp chúng di chuyển dễ dàng hơn.

Nước chanh có rất nhiều lợi ích sức khỏe khác. Ví dụ, nó giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn và cung cấp vitamin C.

Giấm táo

Giấm táo có chứa axit axetic. Axit axetic giúp làm tan sỏi thận. Ngoài tác dụng thải độc thận, giấm táo còn có thể giúp giảm đau do sỏi gây ra.

Theo một đánh giá của các nghiên cứu, tiêu thụ giấm có thể giúp giảm sự hình thành sỏi thận. Để thử phương pháp này, hãy thêm 2 thìa giấm táo vào 170-220ml nước uống. Tránh tiêu thụ nhiều hơn một ly 220ml hỗn hợp này mỗi ngày. Bạn cũng có thể dùng giấm táo trộn salad. 

Nếu ăn với số lượng lớn hơn, giấm táo có thể gây ra các vấn đề như tổn thương men răng, trào ngược axit, đau họng. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và muốn thử hỗn hợp này, hãy cân nhắc việc nói chuyện với bác sĩ và theo dõi lượng đường trong máu một cách cẩn thận suốt cả ngày.

Hỗn hợp này có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm insulin hoặc thuốc lợi tiểu như spironolactone (Aldactone).

Nước ép cần tây

Cần tây được sử dụng trong một số loại thuốc truyền thống như một phương thuốc chữa sỏi thận. Một nghiên cứu cho thấy, trung bình, những người tham gia là nữ bị sỏi thận ăn ít cần tây hơn những người tham gia nữ không bị sỏi thận. Và một nghiên cứu năm 2019 trên chuột cho thấy chiết xuất cần tây giúp phá vỡ sỏi thận.

5 loại nước tự làm tại nhà giúp làm tan sỏi thận - 2

Nước ép cần tây tốt cho người bị sỏi thận (Ảnh minh họa: TA).

Giống như các chất chiết xuất từ thực vật khác, cần tây có thể tương tác với các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác, có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử các biện pháp điều trị mới.

Nước ép húng quế

Húng quế chứa đầy chất dinh dưỡng. Người dân có truyền thống sử dụng nước ép húng quế để điều trị rối loạn tiêu hóa và viêm.

Húng quế chứa chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu năm 2020 ở chuột xác định nó có thể giúp hỗ trợ chức năng thận. Nhưng cần nghiên cứu thêm về phương thuốc này ở người.

Để thử, bạn hãy dùng lá húng quế tươi hoặc khô để pha trà và uống vài cốc mỗi ngày. Bạn cũng có thể ép húng quế tươi để uống hoặc thêm nó vào sinh tố.

5 loại nước tự làm tại nhà giúp làm tan sỏi thận - 3

Sỏi thận là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng (Ảnh: Health).

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi thận, chủ yếu thường liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày như uống ít nước, thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi. 

Người bị sỏi thận thường xuất hiện cơn đau xuất phát từ lưng, vùng mạn sườn dưới sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Đây là triệu chứng xảy ra do sỏi lớn di chuyển và cọ sát làm tổn thương đường tiết niệu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy đi tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu. 

Tiểu ra máu là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu, có thể do sỏi hoặc một số nguyên nhân khác. Người mắc sỏi thận cũng có biểu hiện tiểu dắt, tiểu són, bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít. 

BS Liên khuyên, để phòng sỏi thận người dân cần uống đủ nước mỗi ngày. Ở người trưởng thành cần khoảng 2 - 3 lít nước mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, người Việt nên bỏ thói quen ăn mặn bằng cách giảm bớt lượng muối và các gia vị trong bữa ăn hàng ngày. 

Ngoài ra, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ. Khi có biểu hiện đau lưng, đau hố thắt lưng, đau dữ dội kèm đái ra máu…thì phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc là 2 trên 1.000 người. Một số sỏi nhỏ có thể tự thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả với những sỏi lớn hoặc loại sỏi dù rất nhỏ nhưng có mảng bám gai xương rồng cắm vào mô của thận, hay niêm mạc của niệu quản thì không bao giờ ra được.

Thậm chí có những sỏi đã canxi hóa không bào mòn được thì sẽ gây hỏng thận một cách rất nhanh chóng.

Vì thế, nếu bạn bị sỏi thận, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thử bất kỳ biện pháp điều trị tại nhà nào. Một số sỏi thận có thể cần can thiệp về y tế. Có thể sử dụng ống nội soi để loại bỏ chúng tùy thuộc vào kích thước và vị trí của chúng.