5 điều nên biết khi ăn thanh long để không gây hại
(Dân trí) - Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, quả thanh long mang lại nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ, ngăn ngừa cả ung thư. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn được phép ăn quá nhiều.
Lợi ích sức khỏe của thanh long
Quả thanh long rất giàu vitamin C, A, B1, B12, E và kali, magie, kẽm, photpho, đồng thời cũng chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, flavonoid, carotenoid, betaxanthin và betacyanins.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cơ sở 3, cho biết, thanh long là loại trái cây nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Ít ai biết thanh long còn là thuốc quý.
Trong đó, thanh long ruột đỏ có vị ngọt hơn, thanh hơn quả ruột trắng. Thanh long ruột đỏ nhiều chất chống oxy hóa như anthocyanin và vitamin C, carotene… hơn.
Thanh long ruột trắng có nhiều nước và ít ngọt hơn loại ruột đỏ. Vì vậy, với người bệnh tiểu đường, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ăn thanh long ruột trắng, sẽ giảm nguy cơ đường huyết tăng cao hơn so với ruột đỏ.
Thanh long ruột trắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, ít năng lượng phù hợp với người ăn kiêng. Giá thành của thanh long ruột trắng rẻ hơn so với thanh long ruột đỏ.
Nhìn chung, cả hai loại thanh long đều có chất chống oxy hóa (polyphenol, carotenoid, vitamin C…) giúp ngăn ngừa ung thư, các bệnh mạn tính, tăng khả năng miễn dịch.
Chung quan điểm, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội Việt Nam cho biết thanh long chứa nhiều chất nhầy pectin, chất xơ hòa tan và chất xơ không tan cellulose đều có tác dụng phòng trị bệnh táo bón, béo phì, xơ vữa động mạch, viêm ruột kết...
Thanh long còn là trái cây có chứa lượng đường thấp, giàu magie, nhiều vitamin và khoáng chất, lại ít năng lượng. Vì thế, ăn thanh long thường xuyên rất tốt cho người tiểu đường, người mập phì nóng nhiệt, đang cần giảm cân.
Thanh long có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol xấu và bổ sung thêm cholesterol tốt. Trái cây này rất giàu chất béo không bão hòa đơn giúp trái tim được nghỉ ngơi trong tình trạng tốt nhất.
Thanh long có hàm lượng chất xơ rất cao, có thể cải thiện tiêu hóa kém và giảm chứng táo bón.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Electronic Journal of Biotechnology, thanh long rất giàu các prebiotic giúp tăng cường tiêu hóa và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Loại quả này chứa các oligosaccharide hoạt động như prebiotics giúp cải thiện tiêu hóa và sức khỏe đường ruột.
Các chất chống oxy hóa của thanh long giúp giảm tác dụng của các gốc tự do gây tổn hại tế bào trong cơ thể. Điều này mang lại cho làn da luôn căng mịn, trẻ trung. Có thể sử dụng mặt nạ thanh long kết hợp cùng mật ong để chống lão hóa cho da.
Thanh long còn là trái cây có chứa lượng đường thấp, giàu magie, nhiều vitamin và khoáng chất, lại ít năng lượng. Vì thế, ăn thanh long thường xuyên rất tốt cho người tiểu đường, người mập phì nóng nhiệt, đang cần giảm cân.
Những điều cần chú ý khi ăn thanh long
Quả thanh long là một loại trái cây lành tính, phù hợp với nhiều người. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một tỷ lệ rất nhỏ ăn thanh long bị dị ứng. Một số dấu hiệu cho thấy ăn thanh long và bị dị ứng gồm sưng lưỡi, buồn nôn và nôn, trên da xuất hiện các nốt phát ban.
Khi ăn quá nhiều quả thanh long ruột đỏ có thể bạn sẽ thấy nước tiểu có màu hồng. Tuy nhiên, tình trạng này không là điều đáng lo vì nước tiểu sẽ trở lại màu bình thường khi quả thanh long đã được đào thải ra khỏi cơ thể hoàn toàn.
BS Vũ lưu ý một số điều sau khi ăn thanh long:
- Liều lượng khuyên dùng thanh long cho bệnh nhân tiểu đường là 2 phần một ngày với mỗi phần khoảng 120gr.
- Những người thường bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng không nên ăn thanh long.
- Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.
- Với thanh long ruột đỏ, chúng ta không nên ăn quá nhiều vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm.
Theo BS Vũ, nhìn chung, thanh long an toàn cho sức khỏe, là loại quả ngon, hương vị thanh mát.