5 dấu hiệu của mất cân bằng nội tiết
(Dân trí) - Những trục trặc về nội tiết là rất phổ biến. Thống kê cho thấy khoảng 80% phụ nữ bị một dạng mất cân bằng hoóc môn nào đó, là hệ quả của sự kết hợp giữa những thách thức về sức khỏe thể chất và tinh thần do nồng độ estrogen và progesterone thấp, cùng với những yếu tố khác. Nam giới cũng dễ bị mất cân bằng nội tiết tố do testosterone thấp hoặc estrogen cao.
Dưới đây là 5 trong số những dấu hiệu phổ biến nhất của mất cân bằng nội tiết mà bạn có thể không biết:
Ngủ kém
Thiếu ngủ, hoặc mất ngủ, là một tác dụng phụ thường gặp của mất cân bằng nội tiết. Ở nam giới, đây có thể là dấu hiệu của nồng độ testosterone thấp.
Đối với nam giới, nồng độ testosterone đạt mức cao nhất trong khi ngủ và cần ít nhất ba giờ ngủ để đạt đỉnh, nhưng thiếu ngủ, tuổi già, và các vấn đề thể lực có thể dẫn đến giảm giấc ngủ và thay đổi giai đoạn giấc ngủ ở nam giới, theo một nghiên cứu năm 2014.
Ở phụ nữ, nồng độ progesterone thấp là thủ phạm gây ngủ kém vào ban đêm. Một cuộc thăm dò năm 2007 của Quỹ giấc ngủ quốc gia, Mỹ thấy rằng 33% số phụ nữ cho biết giấc ngủ của họ bị xáo trộn trong chu kỳ kinh nguyệt, và 16% báo cáo phải nghỉ làm một hoặc nhiều ngày trong tháng vừa qua vì những vấn đề về giấc ngủ. Tổng cộng, 67% cho biết gặp trục trặc về giấc ngủ vài đêm mỗi tuần.
Trước kì “đèn đỏ”, những thay đổi nội tiết tố, bao gồm giảm đột ngột nồng độ progesterone, ảnh hưởng đến kiểm soát nhiệt độ của cơ thể, có thể làm giảm lượng giấc ngủ REM, là lúc mà hầu hết các giấc mơ của chúng ta diễn ra.
Đổ mồ hôi trộm
Mất cân bằng nội tiết có thể dẫn giấc ngủ đêm kém và đổ mồ hôi trộm. Giảm progesterone ở phụ nữ có thể khiến estrogen chiếm ưu thế trong cơ thể, dẫn đến bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, và tăng cân, cùng với nhiều triệu chứng khác. Thừa cortisol ức chế các thụ thể progesterol, càng làm cho progesterone thấp hơn. Hai tình trạng mất cân bằng này là lý do chính giải thích tại sao kiệt sức adrenaline có thể dẫn đến ưu thế estrogen.
Ra mồ hôi trộm ở nam giới có thể liên quan với nồng độ testosterone thấp. Khi có tuổi, nam giới sẽ mất đi 1% testosterone mỗi năm sau 40 tuổi. Điều này không được gọi là "testosterol thấp", nhưng nếu người đàn ông bắt đầu giảm testosterone với tốc độ nhanh hơn, họ có thể có testosterol thấp
Mệt mỏi
Ngủ kém và ra mồ hôi trộm có thể khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, nhưng mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ đủ 8 tiếng có thể là dấu hiệu của mất cân bằng nội tiết. Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, insulin vẫn là lí do chính, đặc biệt là khi insulin giữ ở mức cao do hình thành tính kháng insulin.
Một chế độ ăn nhiều đường và tinh bột như bột mì trắng, có thể khiến đường huyết tăng giảm thất thường. Điều này làm chúng ta cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, cáu kỉnh, và thèm đường.
Một nghiên cứu công bố trên Current Opinion in Endocrinology, Diabetes and Obesity cho biết đây là những dấu hiệu điển hình của hạ đường huyết phản ứng, và có thể là triệu chứng kháng insulin, một tình trạng nghiêm trọng hơn và là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường.
Giảm ham muốn
Thiếu hứng thú với sex có thể là một dấu hiệu của estrogen thấp ở phụ nữ và testosterone thấp ở nam giới. Estrogen sụt giảm ở phụ nữ trong khoảng thời gian sắp mãn kinh. Thông thường, sự sụt giảm estrogen khiên mô âm đạo teo đi, khô và đau khi quan hệ. Nếu quan hệ tình dục gây đau và không thú vị, người phụ nữ sẽ không thích quan hệ thường xuyên. Tương tự, ở nam giới, nồng độ testosterone giảm sau 40 tuổi, một hiện tượng được gọi là "thời kỳ mãn dục nam".
Mụn trứng cá mạn tính
Nối mụn trước hoặc sau kỳ kinh ở phụ nữ là bình thường, nhưng mụn trứng cá không hết có thể là một triệu chứng của vấn đề nội tiết. Lượng androgen nhiều – loại hoóc môn "nam" mà cả nam giới và phụ nữ đều có - có thể khiến các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức. Chúng cũng ảnh hưởng đến các tế bào da trong và quanh các nang lông. Điều này có thể gây bít tắc lỗ chân lông và gây ra mụn trứng cá, theo Viện Da liễu Mỹ.
Mất cân bằng nội tiết rất phổ biến, nhưng nhận biết được các dấu hiệu có thể giúp đưa đến những điều trị tốt hơn cho một lối sống lành mạnh hơn.
Cẩm Tú
Theo Medical Daily