1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

40 y bác sĩ "xuống đường" đòi nợ lương: Học viện Y học cổ truyền lên tiếng

Hồng Hải

(Dân trí) - Trước sự việc 40 cán bộ y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh "xuống đường" gây sức ép đòi nợ lương, Học viện Y học cổ truyền đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí để trả lương người lao động.

Trong 2 ngày liên tiếp, chiều 11-12/1, khoảng hơn 40 cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, cùng với băng rôn nhằm gây sức ép để Bệnh viện trả khoản lương đã nợ suốt 8 tháng qua.

Liên quan sự việc, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam vừa có báo cáo giải trình Bộ Y tế về sự việc.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, ngay khi sự việc xảy ra, Ban Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Công đoàn Học viện và các phòng chức năng đã gặp gỡ, động viên và đề nghị viên chức, người lao động bình tĩnh, không tụ tập đông người, gây mất ổn định nội bộ.

40 y bác sĩ xuống đường đòi nợ lương: Học viện Y học cổ truyền lên tiếng - 1

Bị nợ lương suốt 8 tháng qua, không đủ tiền chi trả sinh hoạt phí, cực chẳng đã, nhân viên y tế phải gây sức ép đòi lương (Ảnh: Minh Nhật).

Tuy nhiên, nhóm viên chức, người lao động Bệnh viện không hợp tác, tiếp tục căng băng rôn, biểu ngữ và hô khẩu hiệu đề nghị trả lương. Học viện đã liên hệ với UBND Phường Mộ Lao, Công an Phường Mộ Lao để nghị phối hợp giữ gìn trật tự nơi công cộng đồng thời tiếp tục tuyên truyền để viên chức, người lao động giải tán đám đông, đảm bảo an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Huy, sự việc xảy ra có nguyên nhân Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa có nguồn kinh phí chi trả lương tháng 12/2021 và 50% lương từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021 cho người lao động.

"Học viện báo cáo sự việc xảy ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh và rất mong Lãnh đạo Bộ Y tế, các Vụ, Cục quan tâm gấp và kịp thời có phương án hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của Bệnh viện và Học viện (do tháng 12/2021 Bệnh viện chưa chi trả được lương, đồng thời chuẩn bị đến Tết Nhâm dần), để Bệnh viện sớm giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay, ổn định tình hình", công văn báo cáo nêu rõ.

Theo lý giải, dù Học viện đã nỗ lực thực hiện các giải pháp, Ban giám đốc Học viện đã nhiều lần trực tiếp đối thoại, giải thích, động viên viên chức, người lao động... nhưng không đạt kết quả và người lao động vẫn tiếp tục có đơn thư và có ý kiến về các vấn đề trên.

Ông Huy cho biết thêm, sự việc nợ lương diễn ra thời gian khá lâu. Mới đây, hôm 5/1, Thanh tra Bộ Y tế đã mời đại diện người lao động của Bệnh viện lên làm việc cùng với các Vụ/Cục của Bộ Y tế và đại diện Lãnh đạo Học viện, Bệnh viện để tìm cách giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động theo các quy định. Tuy nhiên tình hình tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn chưa được ổn định, do vẫn chưa có phương án giải quyết, đặc biệt vấn đề chi trả lương.

Nhiều cán bộ, viên chức tham gia "xuống đường" đòi lương chia sẻ, bước đường cùng họ mới phải làm như vậy. Suốt 8 tháng nợ lương, chi phí sinh hoạt hàng tháng không đủ, không ít cán bộ viên chức phải vay mượn khắp nơi để chi trả sinh hoạt phí hay thậm chí là đi bán rau ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.

Hồng Hải