Nhân viên y tế bị bệnh viện nợ lương: "Chúng tôi đã đến đường cùng"
(Dân trí) - Cuối giờ chiều 12/1, hơn 40 nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thuộc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam tiếp tục xuống đường "cầu cứu" vì đã bị "khất" lương suốt 8 tháng qua.
Theo ghi nhận của phóng viên, các nhân viên y tế dàn hàng ngang trước cổng Học viện Y - dược học cổ truyền Việt Nam từ 16h30. Người cầm giấy, người cầm băng rôn với khẩu hiệu yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh thanh toán tiền lương theo đúng hợp đồng.
Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ công đoàn, một thành viên nhóm nhân viên y tế xuống đường đòi quyền lợi, chia sẻ: "Sau lần thứ nhất chúng tôi "xuống đường" vào ngày hôm qua, ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tổ chức cuộc họp cùng các cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, phía lãnh đạo bệnh viện chỉ động viên anh em cùng vượt qua khó khăn mà không hề đưa ra hướng giải quyết thích đáng cho khoản lương còn nợ suốt nhiều tháng qua. Do đó, chúng tôi bắt buộc phải "xuống đường" lần thứ 2".
"Chúng tôi trong nghề y, đều là người có ăn học. Thực sự phải ra đường để khiếu nại như thế này tự chúng tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ và nhục nhã, nhưng chúng tôi đã đến đường cùng và không còn lựa chọn nào khác", chị Bình bức xúc.
Theo chị Bình, từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021, chị và các đồng nghiệp bị nợ 50% mức lương cơ bản. Đến nay là tháng 12 các cán bộ y tế vẫn chưa có đồng lương nào. Trong tháng 11 tại các buổi giao ban, giám đốc cho biết không có nguồn để chi trả cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
"Phần lớn cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh là điều dưỡng viên. Do đó, hệ số lương các bạn đó rất thấp. Tính cả phụ cấp ngành hay phụ cấp độc hại thì chúng tôi chỉ được 6-7 triệu đồng/tháng, nếu đầy đủ lương 100%. Từ tháng 5 chúng tôi chỉ nhận được có một nửa, tức là hơn 3 triệu đồng một tháng. Mức lương này không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày", chị Bình cho biết.
Qua tìm hiểu, nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong 8 tháng qua phải tranh thủ làm thêm công việc ở ngoài, để có tiền trang trải cuộc sống, từ làm phòng khám, chạy shipper cho đến…bán rau.
"Thời gian qua, gia đình tôi đã phải cắt giảm chi tiêu rất nhiều, hơn thế nhà tôi còn phải đi vay ngân hàng. Giờ đây tôi và chồng đang phải còng lưng trả nợ trong khi BV nợ đến 8 tháng lương. Tôi rất bức xúc về vấn đề này. Tết đến gần, gia đình tôi và các đồng nghiệp rất khó khăn nhưng không được hỗ trợ bất kỳ nguồn nào từ học viện. Đây là điều khiến tôi bức xúc. Thời gian qua gia đình tôi chủ yếu phải dựa vào thu nhập của chồng để sinh sống. Tuy nhiên, nguồn thu nhập của chồng không thể nào lo đủ hết được vì chồng tôi là lao động tự do, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", chị Thu, nhân viên y tế Khoa Phụ sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ.
Chiều 12/1, ngay khi có thông tin về việc 40 nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam "xuống đường" đòi lương, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ đạo về vấn đề nóng này.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động
Bộ trưởng yêu cầu cần giải quyết sự việc sớm, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.
Minh Nhật