1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

4 lỗi sai phổ biến khi đi bộ nhiều người mắc phải

Hà An

(Dân trí) - Hầu hết chúng ta đều nghĩ đi bộ đơn giản và không cần kỹ năng. Tuy nhiên, dưới đây chuyên gia người Mỹ đưa ra 4 lời khuyên khi đi bộ giúp cải thiện tư thế và chống lão hóa cho cơ thể.

Khi nghe thấy cụm từ "mọi người đều đi bộ sai", có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên. Từ trước đến nay, họ vẫn đi bộ như thế và thường xuyên đạt được 10.000 bước mỗi ngày. Nhưng nhà khoa học thể thao và người sáng lập WalkActive Joanna Hall nói rằng chúng ta nên tập trung vào cách chúng ta đi bộ.

Theo Techradar, thực tế, hầu hết chúng ta đều nghĩ đi bộ đơn giản và không cần kỹ năng, kỹ thuật. Theo Hall, có 4 lỗi sai phổ biến khi đi bộ mà hầu hết mọi người đều mắc phải. Để khắc phục chúng, bạn hãy thử thực hành những lời khuyên hữu ích dưới đây vào lần tới khi bạn ra ngoài đi bộ.

Chú ý sử dụng cơ mông và gân kheo thay vì cơ gập hông

Hall muốn cải tiến cách đi bộ của bạn từ đầu, nghĩa là bắt đầu từ đôi chân của bạn.

Cô ấy nói rằng khi đi bộ, mọi người trở nên phụ thuộc quá mức vào cơ gập hông mà không vận động cơ mông và gân kheo đúng cách. Cơ gập hông là một phần của cơ lõi, nhóm cơ này chạy từ cột sống xuống xương đùi, cho phép bạn nâng đầu gối và uốn cong ở thắt lưng.

Hall giải thích: "Nếu chúng ta quá phụ thuộc vào các cơ gập hông, điều đó sẽ khiến chúng ta không thể sử dụng cơ mông đúng cách. Kết hợp điều đó với lối sống và thời gian chúng ta ngồi, các cơ gập hông bị siết chặt và ngắn đi".

Theo chuyên gia này, sau khi kết thúc quãng đường đi bộ, nhiều người thường có cảm giác khó chịu ở lưng dưới hoặc có thể gặp vấn đề về khả năng co duỗi ở đầu gối. Đó là bởi vì họ đang bước về phía trước và vô tình không sử dụng các chuỗi cơ ở phía sau (các cơ chạy dọc phía sau cơ thể, bao gồm cả cơ mông và gân kheo).

4 lỗi sai phổ biến khi đi bộ nhiều người mắc phải - 1

Bạn hãy cố gắng sử dụng cơ mông và gân kheo khi đi bộ thay vì chỉ dùng cơ gập hông (Ảnh: Gettyimages).

Thay vào đó, cô ấy khuyên bạn thử cách di chuyển sau. Hãy tưởng tượng có những tờ ghi chú với những thông điệp viết trên đó được dán vào đế giày của bạn. Khi bạn bước đi, hãy cố gắng bước về phía trước ra khỏi không gian mà bạn đang chiếm giữ, để chân sau ở phía sau lâu hơn một chút để người đứng phía sau bạn có thể nhanh chóng đọc được mẩu giấy nhớ.

Hall giải thích: "Điều đó có nghĩa là bạn bắt đầu sử dụng cơ mông và gân kheo của bạn, đồng thời không sử dụng cơ gập hông, qua đó sẽ bảo vệ lưng và cải thiện tư thế của bạn".

Tập trung vào bàn chân để cố định hông

Điểm cần lưu ý tiếp theo là hông và nó cũng bắt nguồn từ cách bạn sử dụng đôi chân của mình.

Hall cho biết: "Mọi người có xu hướng đi bộ bằng bàn chân phẳng, nghĩa là bàn chân hạ xuống thành một khối, nhưng bàn chân có 26 xương trong đó. Và nơi đó thực sự là một khớp và chúng ta có nhiệm vụ chuyển động trong đó".

Theo đó, việc đi bộ bằng bàn chân phẳng có thể gây áp lực lên đầu gối nhiều hơn, có thể gây ra tác động kích thích đến cách đầu gối di chuyển trên ngón chân. May mắn thay, có một cách khắc phục mà bạn có thể thử. Đó là hãy tưởng tượng bạn có những miếng khóa dán ở dưới chân và trên con đường bạn đang đi.

Khi bạn đưa tờ giấy ghi chú cho người đứng sau, hãy tưởng tượng bạn đang bóc từng chút một bàn chân sau ra khỏi mặt đất và điều đó sẽ kích thích chuyển động qua các khớp của toàn bộ bàn chân. Điều đó rất tốt cho tư thế của bạn.

Vị trí của đầu và vai

Bạn có nghiêng người về phía trước khi đi bộ không? Có thể bạn đang mải mê sử dụng điện thoại hoặc bạn khom lưng về phía trước theo thói quen. Dù sao đi nữa, bạn cũng nên dừng lại.

Cô nói: "Đi với đầu nghiêng về phía trước sẽ tạo nhiều áp lực lên lưng và khiến nó rất cứng. Phần lưng phải có thể thực hiện được bốn động tác gập, duỗi, xoay ở cột sống ngực (giữa) và cả chuyển động sang bên. Nhưng khi chúng ta bị cứng vai do đầu nhô về phía trước, lưng sẽ mất chuyển động quay".

Hall cho biết điều này tác động đến tư thế của bạn cũng như ảnh hưởng đến hơi thở của bạn do hạn chế chuyển động của cơ hoành.

Để khắc phục điều này, hãy tưởng tượng có một đường thẳng giữa vai và dái tai của bạn. Sau đó, khi bạn bước đi, hãy giữ vai về phía sau và ngẩng cao đầu để tạo khoảng cách giữa đầu và vai càng nhiều càng tốt, không được khom lưng.

Cánh tay

Cuối cùng là cánh tay. Bạn không cần cố vung tay một cách máy móc mà hãy để chúng chuyển động xoay một cách tự nhiên, trơn tru.

Theo Hall, bạn có khả năng đi 10.000 bước mỗi ngày là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, tại sao bạn không làm vài thay đổi nhỏ để thu được nhiều lợi ích hơn nữa trong mỗi bước đi.

Cô nói: "Bất kể bạn là ai, bao nhiêu tuổi hay thể hình ra sao, mọi người đều có thể học cách đi lại tốt hơn. Bạn sẽ trông đẹp hơn, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và bạn sẽ đầu tư vào một cơ thể tốt hơn về lâu dài vì bạn đang bảo vệ nó bằng cách xây dựng sức mạnh và thể lực.

Đi bộ là việc cơ bản mà bạn làm, vậy tại sao bạn không muốn làm điều đó với khả năng tốt nhất của mình?".

Vào năm 2013, nghiên cứu của Hall với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Thể dục và Thể thao cho thấy những người tuân theo kế hoạch này trong 28 ngày đã tăng tốc độ đi bộ lên 23%. Trung bình, trọng lượng của họ cũng giảm 2%, tỷ lệ mỡ cơ thể ước tính giảm 3% và số đo nếp gấp da ở eo giảm 15%.

Nghiên cứu cũng cho thấy tư thế và sự liên kết của xương được cải thiện, dẫn đến giảm đáng kể lực tác động lên khớp gối và mắt cá chân.