4 kỹ năng cần biết để cứu tính mạng trong các vụ cháy
(Dân trí) - Thông thường trong các đám cháy nguyên nhân gây thương vong là khói và khí độc chứ không phải do lửa hay nhiệt, trong đó CO, CO2 là những khí độc dễ gây tử vong. Vậy phòng tránh ngạt khói như thế nào?
Ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... Trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Theo Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Nội), khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy.
Do đó, nạn nhân tử vong trong các vụ cháy phần nhiều do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.
Một người bị kẹt trong một tòa nhà đang cháy sẽ gặp các triệu chứng ngạt khói gần như ngay lập tức, phổ biến nhất trong số đó là ho, khó thở, khàn tiếng, đau đầu, đau bụng, nôn, buồn ngủ, lú lẫn... do không nhận đủ oxy. Ở giai đoạn này, nạn nhân có thể mất ý thức hoặc ngưng thở hoàn toàn.
Những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn ngoài bị phỏng, bị ngạt, còn bị tổn thương do hít phải nhiệt độ cao nên thường bị phỏng đường hô hấp.
Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng cho biết, liên quan đến vụ cháy các nạn nhân được cấp cứu thường bị ngạt khói.
Tình trạng này có thể gây tử vong do thiếu oxy, ngộ độc khí CO. Đặc biệt những trường hợp cháy trong thời gian dài, nếu người dân ở trong phòng kín lâu, ngoài khói còn khí CO dễ gây ngộ độc.
Còn lại một số trường hợp có thể bị bỏng da, bỏng đường hô hấp, bị chấn thương do nhảy hoặc ngã từ trên cao xuống, va đập trong lúc chạy khỏi đám cháy.
Cách phòng tránh ngạt khói khi hỏa hoạn
- Bình tĩnh
Khi thấy cháy, bạn không được hoảng sợ. Điều đầu tiên bạn làm là phải thật bình tĩnh, gọi điện ngay báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (114). Tiếp đó, tìm ra lối thoát nạn.
- Xác định nguồn khói
Trong trường hợp luồng khói từ trên cao hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Đặc biệt, không sử dụng thang máy để thoát hiểm khi tòa nhà xuất hiện cháy.
Nếu trường hợp khói xuất phát từ các tầng dưới, điều đầu tiên bạn cần phải làm là di chuyển nhanh xuống dưới và thoát ra ngoài (nếu bạn ở tầng thấp). Nhưng nếu ở tầng cao, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát.
- Xác định hướng gió
Mục đích của việc xác định hướng gió là để chọn góc lánh nạn hợp lý, làm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói thổi....
- Dùng khăn ướt che kín mũi để thoát ra ngoài
Trong trường hợp người dân bị lửa bao vây thì phải bình tĩnh tìm lối thoát ra ngoài. Trước khi thoát ra ngoài phải làm ướt mình, lấy khăn ướt che kín, miệng, mũi. Lý do, tấm vải sẽ trở thành mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn.
Bạn lưu ý cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển. Khói thường nhẹ hơn không khí nên thường bốc lên cao. Vì vậy, phía dưới sát sàn thường có một lượng oxy đủ để chúng ta thở và tránh được việc ngạt khói. Ngoài ra, chú ý không la to vì sẽ bị ngạt khói.
Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), có 56 nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn và 37 người bị thương.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện còn 36 nạn nhân đang điều trị tại các bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Hà Đông, Đại học Y Hà Nội và Quân y 103. Trong đó, có 6 ca nặng, nguy kịch, chủ yếu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Số còn lại mức độ trung bình và nhẹ, nhiều ca sức khỏe ổn định.